Dù là giải pháp quan trọng nhằm mục tiêu: bảo đảm sức khoẻ con người, phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá,… tuy nhiên, việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được cho vẫn còn nhiều tồn tại.
Theo đó, việc ban hành tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật thường nhằm đạt được các mục tiêu chính sách quan trọng. Quy chuẩn kỹ thuật thường được xây dựng để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người, bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng. Trong khi đó, tiêu chuẩn kỹ thuật được thiết lập để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác.
Thống kê cho thấy, qua 17 năm thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các cơ quan Nhà nước đã ban hành khoảng 800 quy chuẩn kỹ thuật và gần 14.000 tiêu chuẩn quốc gia. Trong số đó, không ít tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật gây ra vướng mắc bất cập khi triển khai được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị.
Tính đến hết năm 2024, các cơ quan Nhà nước đã ban hành 804 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn hiệu lực. Các quy chuẩn này hiện do 13 bộ, ngành quản lý.
Thực tế, tại Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024, nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã chỉ ra không ít những tồn tại của các tiêu chuẩn quy chuẩn hiện nay.
Cụ thể như, một số quy chuẩn kỹ thuật đưa ra chỉ tiêu quá nghiêm ngặt, gây khó khăn vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như: độ ẩm của phân vi sinh quá thấp trong QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về Chất lượng phân bón, yêu cầu quá cao đối với nhà xưởng của QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, yêu cầu hàm lượng melamine bằng không trong sữa, yêu cầu hàm lượng photpho quá thấp trong quy chuẩn nước thải ngành thuỷ sản trong dự thảo QCVN về nước thải công nghiệp, quy chuẩn thiết bị 5G phải hỗ trợ kiến trúc mạng lai ghép trong QCVN 129:2021/BTTTT về Thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G lai ghép…
Hay như chỉ tiêu quá dễ đáp ứng gây tốn kém chi phí kiểm tra, ví dụ như chỉ tiêu hoạt động phóng xạ đối với xỉ lò cao và tro bay trong QCVN 16:2023/BXD về Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, và chỉ tiêu kim loại nặng trong thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật trong QCVN 01-190:2020/BNNPTNT về Thức ăn chăn nuôi.
Không chỉ có vậy, theo các doanh nghiệp, có những trường hợp phép đo có bản chất tương tự nhau mà kết quả của phép đo trước hoàn toàn có thể được sử dụng cho sản phẩm sau. Tuy nhiên, quy định pháp luật vẫn yêu cầu lặp lại các phép đo này, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này được cho do trong quá trình soạn thảo quy chuẩn, các cơ quan không xem xét đến chi phí thử nghiệm. Các ví dụ được doanh nghiệp nêu ra bao gồm việc lặp lại quá nhiều phép đo cho các kiểu dáng sản phẩm tivi và dây cáp điện công nghiệp...
Từ thực tế đã nêu, nhóm nghiên cứu của VCCI cho rằng, hiện nay, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang được soạn thảo và trình Quốc hội. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể củng cố quy trình xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng các văn bản này, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội quốc gia.
Cụ thể nhóm nghiên cứu của VCCI khuyến nghị, nên đưa báo cáo đánh giá tác động thành một tài liệu bắt buộc trong hồ sơ xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động bao gồm các vấn đề về sự cần thiết, tính hợp lý và tính khả thi của việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
Trong trường hợp cơ quan soạn thảo tham khảo tiêu chuẩn của nước ngoài khi ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì cần lưu ý một số vấn đề như: ngoài nội dung của tiêu chuẩn, cần tham khảo cả đối tượng áp dụng của tiêu chuẩn đó; việc dịch thuật cần được tiến hành kỹ lưỡng và cần có chú giải các thuật ngữ một cách cẩn thận; cho phép doanh nghiệp áp dụng đồng thời cả phiên bản cũ và mới khi tiêu chuẩn nước ngoài có sự thay đổi mà chưa kịp thay đổi tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn tương ứng của Việt Nam.
Về việc tham vấn đối tượng chịu tác động khi soạn thảo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nhóm nghiên cứu cho rằng, đối tượng tham vấn bắt buộc phải bao gồm các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp có hoặc có thể liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, đối với công tác thẩm định, cần có sự tham gia nhiều hơn của đại diện các đối tượng chịu tác động và đơn vị pháp chế. Các ý kiến trong báo cáo thẩm định cần được giải trình hoặc tiếp thu trước khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
“Việt Nam cần tiến tới bỏ cơ chế quy chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, thay vào đó là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc những trường hợp nào phải áp dụng bắt buộc các tiêu chuẩn. Các quy chuẩn kỹ thuật chỉ nên được ban hành nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm tính an toàn của sản phẩm, hàng hoá hoặc các lợi ích công cộng. Các mục tiêu khác như bảo hộ thị trường, thúc đẩy giao dịch hay nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá cần được cân nhắc hết sức thận trọng trong quá trình soạn thảo”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Đồng thời đề nghị, trước khi ban hành một quy chuẩn kỹ thuật, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc các giải pháp khác như quy định trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra rủi ro hoặc các biện pháp giám sát quá trình khác. Trong trường hợp ban hành tiêu chuẩn sử dụng tên gọi thông dụng thì cần có sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Khi lựa chọn đưa các chỉ tiêu thử nghiệm vào trong quy chuẩn kỹ thuật cũng cần thuyết minh về mục tiêu nâng cao tính an toàn, chứ không nên đưa các chỉ tiêu về phẩm cấp của hàng hoá. Các chỉ tiêu không nên cao quá khiến ít doanh nghiệp đáp ứng được và cũng không nên thấp quá gây lãng phí chi phí thử nghiệm. Các phép đo cần được thiết kế sao cho sử dụng lại được các kết quả đo đã có và chấp nhận các kết quả đo tương đương trong tiêu chuẩn quốc tế…