Quốc hội khóa XIV là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.
Sáng nay (24/3), Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV - kỳ họp cuối cùng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV họp phiên khai mạc.
Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016. Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo đó, những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống. Trong số 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được thông qua, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.
Đặc biệt, Quốc hội luôn đề cao việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật; các quy định, hướng dẫn về kỹ thuật lập pháp được ban hành để áp dụng thống nhất, bảo đảm tính nhất quán của văn bản, hạn chế mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Đáng chú ý, nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được triển khai trong nhiệm kỳ như: không ban hành Chương trình cả kỳ nhiệm, mà tập trung xây dựng Chương trình hằng năm; tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo; sau mỗi phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có thông báo kết luận về các nội dung lớn, nội dung còn có các ý kiến khác nhau trong từng dự án, dự thảo, làm cơ sở, định hướng để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoặc có báo cáo giải trình bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định; các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tăng cường, ngày càng đi vào nền nếp; các hình thức thảo luận, lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được tích cực đổi mới, đa dạng, bảo đảm đúng quy trình, có chất lượng, tiết kiệm thời gian,...
Mặc dù đạt được nhiều thành công, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn thừa nhận, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định. Tính dự báo trong việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, Chương trình còn phải điều chỉnh nhiều. Việc lấy ý kiến về dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; có nội dung đánh giá tác động chính sách chưa sâu, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn các phương án đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Một số luật có tính khả thi chưa cao, vẫn còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, phải sửa đổi, bổ sung; không ít quy định còn chung chung, khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân của những hạn chế là do đất nước đang trong quá trình phát triển, tình hình trên thế giới biến chuyển nhanh . Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự án, dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Công tác phối hợp trong việc tham gia thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả. Chưa có đầy đủ các chế tài trong việc xử lý đối với trường hợp không tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chưa có cơ chế phù hợp để thu hút và phát huy hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như thu thập, xử lý đầy đủ ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh,…
Có thể bạn quan tâm
09:35, 24/03/2021
09:34, 24/03/2021
05:38, 24/03/2021
16:01, 18/03/2021
10:37, 18/03/2021
12:15, 15/03/2021