So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, hay Singapore, thì room cho nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường tại Việt Nam cởi mở hơn rất nhiều.
Đó là nhận định của ôn Hong Sun – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc về xu hướng và triển vọng đầu tư của dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2019.
- Năm 2018, thị trường Việt Nam ghi nhận vốn luỹ kế đăng ký từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt con số 62,56 tỷ USD, với 7.459 dự án và nhà đầu tư xếp vị trí số 1 dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Triển vọng đầu tư trong năm 2019 sẽ như thế nào, thưa ông?
Năm 2018, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam đã trở thành một trong 3 đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc. Dựa trên đà đó, dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Điều này được thể hiện ở việc, bên cạnh các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, thì những nhà đầu tư Hàn Quốc khác đang có hoạt động đầu tư tại Quốc gia thứ 3 như Trung Quốc, hoặc tại khu vực Đông Nam Á, họ cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài hoặc chuyển hướng sang một nước mới. Theo đó, đại đa số doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ nhìn nhận Việt Nam là một trong điểm đến đầu tiên.
- Vậy xu hướng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2019 này có gì khác biệt?
Nếu trước đây, 50 % dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất thì năm 2019 sẽ rất đa dạng và phong phú.
Ví dụ, nếu như trước đây, các ngành như may mặc, giày dép, túi xách là những ngành thu hút nhiều dòng vốn đầu tư Hàn Quốc. Sau này, dòng vốn có sự chuyển hướng sang các ngành như điện tử và phụ kiện điện tủ, công nghiệp nặng, và mới gần đây là sản xuất ô tô, phụ kiện điện tử, và dịch vụ.
Đáng chú ý, mới đây, các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Theo đó, số doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại thị trường Việt Nam sẽ tiêp tục tăng mạnh trong năm 2019 và nhiều năm tiếp theo.
- Cụ thể sẽ là những doanh nghiệp có quy mô như thế nào, thưa ông?
Bên cạnh, các tập đoàn lớn Hàn Quốc như Samsung, LG, lotte, CJ… thì sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, có nhiều Tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn đang thực hiện các nghiên cứu đã phương về môi trường đầu tư Việt Nam trước khi ra quyết định đầu tư. Cụ thể, nghiên cứu về địa điểm, môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi, chi phí...
Bên cạnh các suất đầu tư lớn lên tới hàng tỷ USD mỗi lượt thì còn phải kể đến việc gia nhập thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai nhóm doanh nghiệp này khi đầu tư cùng nhau sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và bổ sung cho nhau.
- Yếu tố nào sẽ hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc trong năm 2019, thưa ông?
Việc Chính phủ Việt Nam sửa đổi Luật Đầu tư chính là một trong những điểm nhấn quan trọng. Điều này cho phép nới room cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng có thể tham gia một cách “thoải mái” hơn khi mua công ty cổ phần, công ty liên doanh hoặc doanh nghiệp nhà nước.
Có lẽ nhiều nhà đầu tư nước ngoài nếu chưa tham gia vào thị trường Việt Nam thì sẽ nghĩ rằng, độ mở về hoạt động đầu tư của các nước như Philippines, Thái Lan, hay thậm chí là Singapore sẽ hơn Việt Nam tuy nhiên không phải, thị trường đầu tư của Việt Nam cởi mở hơn.
Mặc dù một số lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa nới room tới 100% cho nhà đầ tư ngoại, song phần lớn các lĩnh vực đã nới ở mức tối đa, trong khi ở những thị trường khác trong khu vực như vừa nêu, nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài muốn mua được doanh nghiệp hoặc cổ phần phải có sự tham gia là người bản địa.
Với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, và sửa đổi các Luật có ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhà đầu tư nhằm tạo thuận lợi thương mại, đây chính là những điều kiện tốt để các nhà đầu tư nước ngoài có thể gia nhập thị trường Việt Nam và thu hút ngày càng nhiều dòng vốn chất lượng cao, trong đó có dòng vốn từ Hàn Quốc.
- Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, ông có kiến nghị gì để tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam?
Doanh nghiệp Hàn Quốc lúc nào cũng vui vẻ và cám ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian qua.
Theo như tìm hiểu của chúng tôi, không có môi trường đầu tư nào và con người thiện chí với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc tại nước ngoài như Việt Nam.
Năm 2018, môi trường đầu tư Việt Nam đã có những cải cách mạnh mẽ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, để đón thêm nhiều dòng vốn chất lượng, theo ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc thì cần có những quy định hoặc thậm chí cao nhất là Luật để bảo vệ tính cạnh tranh lạnh mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Ví dụ, có những trường hợp, doanh nghiệp Hàn Quốc đã mất một thời gian dài và tiền bạc để đào tạo nhân sự. Đến khi đào tạo xong đang làm việc rất tốt, thì có doanh nghiệp đối thủ “mời chào” với mức lương hấp dẫn, người lao động có thể sẵn sàng nhảy việc.
Điều này khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài e ngại về việc đầu tư, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao tại Việt Nam.
Theo kinh nghiệm ở Hàn Quốc, việc này đã được quy định tại Luật, trong đó, đảm bảo quyền lợi của cả người sử dụng lao động và người lao động.
Cụ thể, khi doanh nghiệp đầu tư cho người lao động đi du học hoặc đào tạo ở nước ngoài, người lao động phải đảm bảo, sau khi học xong quay lại công ty làm việc trong một khoảng thời gian nhất định, và được Luật của Hàn Quốc bảo vệ.
- Xin cảm ơn ông!