Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong các ngày qua, nhiều khu vực tại Quảng Nam đã xuất hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở ảnh hưởng đến đời sống người dân.
>>Tây Nguyên ngập tràn trong nước mùa mưa
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh đã di dời, sơ tán hơn 110 hộ dân nằm trong vùng bị ngập và sạt lở. Cùng với đó, do ảnh hưởng của mưa lớn đã gây sạt lở, hư hỏng và ngập cục bộ nhiều tuyến đường giao thông, sạt lở bờ biển tại TP. Hội An, huyện Duy Xuyên,... Mưa lớn cũng gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ.
Ghi nhận tại TP. Hội An, hàng trăm mét bờ biển tiếp tục sạt lở đe dọa đến các hộ dân trong khu vực. Mặc dù nhiều điểm đã được gia cố bằng cọc tre, bao cát,... tuy nhiên việc sạt lở vẫn tái diễn, sóng lớn có nguy cơ đánh hỏng bờ kè mềm.
Ông Lê Văn Biết, người dân khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP. Hội An cho hay gia đình đã chi khoảng 500 triệu để mua bao tải chuyên dụng và hút cát vào làm đê chắn tạm nhằm hạn chế sóng biển ngoạm vào đất vườn. Tuy nhiên, việc sạt lở vẫn tái diễn khi sóng lớn đánh vào, hút lượng cát dưới chân bờ kè mềm gây sạt lở.
“Với tình hình này kéo dài, e rằng việc sạt lở sẽ có nhiều diễn biến phức tạp”, ông Biết nói.
Ngoài TP. Hội An, các khu vực như Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ,... đều có điểm ngập úng do mưa lớn. Trên tuyến Quốc lộ 1 vào sáng ngày 16/10 có ngập sâu khiến công nhân không thể đến nơi làm việc tại khu công nghiệp Tam Thăng (TP. Tam Kỳ).
Nhiều người cho biết không dám di chuyển vào vùng trũng vì sợ hỏng xe, vì không rõ độ sâu. Cùng với đó, người lao động e ngại nước tiếp tục dâng cao vào buổi chiều khiến họ không thể về nhà.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ ngày 16 đến 1h ngày 18/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cụ thể, tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến từ 80 - 200mm, có nơi trên 250mm, đối với các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam phổ biến từ 100 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng đã ký công điện yêu cầu các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo và chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn.
“Có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân. Các địa phương tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn,...”, Chủ tịch Quảng Nam chỉ đạo.
Để ứng phó với tình hình mưa lớn kéo dài, các địa phương chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại. Song song là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày. Đặc biệt, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Có thể bạn quan tâm