Một số nước trên thế giới đang thúc đẩy tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em với mục tiêu hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Trẻ vị thành niên và trẻ em nhóm dưới 12 tuổi, đang được các nhà khoa học và giới hoạch định chính sách nhiều nước cân nhắc cho bước tiếp theo của chiến lược phủ vaccine sau khi phần lớn dân số trưởng thành đã hoàn tất tiêm chủng.
Liên minh châu Âu (EU) dần mở rộng chiến lược phủ vaccine sang trẻ em, nhằm giảm lây nhiễm cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện thêm biến chủng nguy hiểm khi nCoV vẫn có thể lây lan ở trẻ em.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17. Trong cả hai nghiên cứu với lần lượt hơn 2.000 và 3.000 thanh thiếu niên tham gia, không trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 sau khi tiêm vaccine.
Anh cũng theo đuổi mục tiêu tiêm ít nhất một mũi vắc xin cho toàn bộ nhóm người 16-17 tuổi. Với nhóm từ 12 đến 15 tuổi, nước này chỉ ưu tiên tiêm cho những người có hệ miễn dịch yếu hoặc người bị các chứng bại não, tự kỷ, động kinh... Hầu hết các quốc gia châu Âu yêu cầu sự cho phép của phụ huynh trước khi tiêm cho trẻ em.
Trước đó, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện việc tiêm đại trà vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên khi khởi động chiến dịch chủng ngừa từ ngày 6-9 vừa qua. Loại vaccine được quốc gia Caribbean này sử dụng là Soberana 02 do Viện Vaccine Carlos Finlay (IFV) của quốc gia này tự sản xuất. Đây là một phần trong kế hoạch tiêm chủng mũi đầu trong liệu trình 3 mũi tiêm cho toàn bộ trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 đến 18 tuổi, để có thể mở cửa trở lại trường học vào tháng 11 tới.
Ở Đông Nam Á, một số nước cũng đã tiến hành triển khai việc tiêm chủng cho trẻ em. Campuchia đã thực hiện tiêm cho nhóm 12-17 tuổi từ đầu tháng 8. Malaysia cũng đã bắt tay vào tiêm cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi. Thái Lan cũng cân nhắc tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên bằng vắc xin của Pfizer và Moderna.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng là mục tiêu chung của toàn thế giới. Do đó, việc chủng ngừa cho trẻ em là một phần tất yếu trong kế hoạch này và cần triển khai sớm để học đường thực sự là môi trường an toàn.
Mặc dù vaccine COVID-19 được phát triển nhanh chóng, nhưng công nghệ được sử dụng để sản xuất một số loại vaccine không phải là mới, do đó các loại vaccine đều cho thấy sự an toàn với trẻ em. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã xem xét một nghiên cứu được tiến hành trên hơn 2.200 trẻ em Mỹ tuổi từ 12 tới 15, một nửa trong số đó được tiêm vaccine Pfizer, số còn lại tiêm giả dược.
Kết quả cho thấy một tuần sau khi tiêm liều hai, không em nào trong 1.005 em tiêm vaccine Pfizer nhiễm COVID-19, trong khi 16 trên 978 em tiêm giả dược mắc COVID-19. Nghiên cứu này cho thấy vaccine Pfizer hoàn toàn hiệu quả trong ngăn ngừa COVID-19 ở nhóm tuổi này.
Mặc dù vậy, quy mô của các nghiên cứu vẫn còn hạn chế, đồng nghĩa khả năng chưa phát hiện hết tác dụng phụ của vaccine COVID-19 ở trẻ em. Mặt khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng xác nhận trẻ em và thanh thiếu niên chỉ bị bệnh COVID-19 nhẹ so với người lớn, do đó việc tiêm vaccine cho trẻ em không khẩn cấp như với người già, người có các bệnh mãn tính và nhân viên y tế.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Lorena Tapia, bác sĩ nhi khoa và nhiễm trùng từ Đại học Chile khuyến cáo, khi các quốc gia có đủ vaccine và đạt tỷ lệ tiêm chủng rộng lớn cho người trưởng thành, cần tiến hành tiêm chủng cho trẻ em. Điều này thu lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro.
Nhóm tuổi này thường không mắc bệnh nặng khi nhiễm COVID-19, tuy nhiên việc tiêm chủng vaccine có thể giúp trẻ em hạn chế nhiễm và phát tán virus. Ngay cả khi bị nhiễm virus, nguy cơ các em bị mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài cũng thấp hơn. Đặc biệt, việc tiêm chủng sẽ giúp các em có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc một số bệnh nền như béo phì tránh khỏi nguy cơ tiến triển bệnh nặng.
Trên thực tế, bất chấp tính hiệu quả của vaccine COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em vẫn thấp hơn người lớn. Với nhiều quốc gia đã mở cửa trường học trở lại và dần dỡ bở các biện pháp hạn chế như đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, đã đến lúc cộng đồng khoa học nhanh chóng thu thập các dữ liệu nghiên cứu để tăng tốc việc tiêm chủng cho trẻ vị thành niên, tiến tới mục tiêu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm chủng càng nhanh càng tốt khi đến thời điểm.
Có thể bạn quan tâm