Tỉnh Quảng Bình sẽ áp dụng nhiều chính sách đất đai, chính sách thuế, đặc biệt có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khi đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh.
Sáng nay (23/1), Ban quản lý khu kinh tế Quảng Bình phối hợp với Ban Hội viên và Đào tạo VCCI tổ chức Hội nghị "Giới thiệu tiềm năng các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Quảng Bình" tại trụ sở của VCCI.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Năm - Trưởng Ban quản lý khu Kinh tế Quảng Bình cho biết: "Việc tỉnh Quảng Bình nỗ lực rất lớn trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tạo môi trường thông thoáng thu hút nguồn đầu tư".
“Hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Quảng Bình có lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; thuận lợi trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước; Thích ứng với môi trường hợp tác và cạnh tranh; phù hợp và gắn kết chặt chẽ với hành lang kinh tế Quốc lộ 12A, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; phù hợp với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và hành lang kinh tế Đông Tây; đảm bảo liên kết, hợp tác với các khu kinh tế cửa khẩu trong khu vực như Lao Bảo, Cầu Treo và khu kinh tế Vũng Áng” - ông Phạm Văn Năm cho biết thêm.
Ông Nguyễn Bắc Hà – Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo VCCI cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI là tổ chức xúc tiến thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Với chức năng được giao, VCCI thường xuyên phối hợp với các bộ ngành địa phương nhằm tổ chức các hội nghị, hội thảo quảng bá các sản phẩm dịch vụ cho doanh nghiệp; nhấn mạnh vào các ưu đãi của các địa phương nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin, nắm bắt cơ hội đầu tư và thực hiện các giải pháp kinh doanh của mình thuận lợi, hiệu quả.
Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Bình có 8 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập tại Quyết định số 1107/QD-TTg ngày 21/8/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích khoảng 2.000 ha được phân bố trên các huyện, thành phố trong đó 4 khu công nghiệp đã được thành lập: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN cảng biển Hòn La; KCN Bắc Đồng Hới và KCN Tây Bắc Quán Hàu.
Nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tỉnh Quảng Bình đã đưa ra nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Cụ thể, về đất đai, tỉnh áp dụng một giá thuê đất chung cho các dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trong toàn khu công nghiệp. Thời gian cho thuê đất 70 năm và miễn tiền thuê đất cho nhà đầu tư trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm. Doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất 13-19 năm kể từ khi dự án hoàn thành đưa vào hoạt động.
Về chính sách thuế, các doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế suất 10% tổng thời hạn 15 năm khi đi vào hoạt động, miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đặc biệt, với các dự án công nghệ cao, dự án ưu đãi đầu tư hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm. Với thuế nhập khẩu, doanh nghiệp được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu như nguyên liệu, vật tư, linh kiện, và bán thành phẩm để gia công, sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Với thuế thu nhập cá nhân sẽ được giảm 50%.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng từ 0,5-5 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng đến hàng rào nhà máy từ 0,3-6 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí đào tạo lao động tối đa 500 triệu đồng. Đối với các dự án du lịch tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng cho một dự án.
Đại diện doanh nghiệp tham dự Hội nghị, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT CTCP Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu Aprocimex đề xuất: "Khu Công nghiệp Quảng Bình nên bổ sung thêm khu công nghiệp sạch (phục vụ cho các ngành công nghiệp nông nghiệp sạch). Ví dụ như các doanh nghiệp đầu tư trong chăn nuôi như lợn, bò có thể nhập khẩu chế biến các loại thịt có chất lượng cao, hàm lượng dinh dưỡng lớn, vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa tiến tới xuất khẩu".