Tín dụng - Ngân hàng

NHNN có thể hạ lãi suất về mức thấp, nếu thị trường ngoại hối ổn định

Lê Mỹ 12/04/2025 04:05

Kỳ vọng NHNN giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%, song xu hướng rủi ro đang nghiêng về giảm lãi suất, do áp lực suy giảm kinh doanh và xuất khẩu khi chính quyền Trump áp thuế.

Cần chuẩn bị tâm thế ứng phó thuế quan

Sau một năm 2024 đầy tích cực và báo cáo GDP quý I/2025 tương đối khả quan, mọi sự chú ý hiện đã chuyển sang mức thuế đối ứng lên tới 46% do Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ, khiến mức thuế trung bình của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần một thế kỷ.

gdp.jpg
Tổng sản phẩm quốc nội thực tế. Nguồn: UOB

Nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2025 và các biến động vĩ mô đang diễn ra, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng các hạn chế thương mại có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế ứng phó với tác động lan rộng của các mức thuế mới, do tính chất mở của nền kinh tế: Xuất khẩu chiếm tới 90% GDP của Việt Nam – cao thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore (174%), đồng thời Mỹ là thị trường lớn và quan trọng.

Theo UOB, trong kịch bản hiện tại, giả định xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm 20% trong năm 2025 (sau khi đã tăng 20% trong năm 2024). Đồng thời, nếu xuất khẩu sang các thị trường khác giữ nguyên, không tăng trưởng so với mức 283 tỷ USD của năm 2024, thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm khoảng 6% trong năm 2025, trái ngược với mức tăng 13% của năm 2024. Với các giả định này, đồng thời tính đến tác động lan tỏa lên sản xuất và dòng vốn FDI, mô hình dự báo của các chuyên gia cho thấy GDP Việt Nam sẽ giảm so với dự báo cơ sở ban đầu.

Theo đó, UOB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 xuống còn 6,0%, giảm 1 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó là 7,0%, và thấp hơn so với mức tăng trưởng thực tế 7,09% trong năm 2024. Hiện các chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP quý II và quý III năm 2025 lần lượt ở mức 6,1% và 5,8%.

Tuy nhiên, các dự báo đều sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế quan Việt - Mỹ, hiện đã được khởi động. Cụ thể trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Tại cuộc gặp, đại diện Thương mại Mỹ nhất trí hai bên khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hóa của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.

Ngày 10/4, cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo êu cầu trong ngày 11/4, thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Chính sách tiền tệ: NHNN có thể giữ nguyên lãi suất

Với lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đều duy trì dưới ngưỡng mục tiêu 4,5% trong quý I và phần lớn năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, biến động trên thị trường tỷ giá lại trở thành một yếu tố đáng lo ngại, đặc biệt sau khi thuế “Giải phóng” của Mỹ gây ra làn sóng bất ổn mới trên thị trường.

usd(1).jpg
Áp lực lên tỷ giá vẫn còn, theo dự báo của UOB. Ảnh minh họa

"Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,50%. Tuy nhiên, xu hướng rủi ro đang nghiêng về khả năng giảm lãi suất, do áp lực suy giảm từ hoạt động kinh doanh và xuất khẩu, trong bối cảnh mức thuế 46% từ Mỹ có thể gây cú sốc mạnh cho nền kinh tế Việt Nam", Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nêu .

Các nhà phân tích cũng giả định nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi rõ rệt trong 1-2 quý tới, có khả năng NHNN có thể hạ lãi suất chính sách về mức thấp trong thời kỳ COVID-19 là 4,00%, sau đó tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản về mức 3,50%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng.

Ở thời điểm hiện tại, kịch bản cơ sở của chúng tôi vẫn là NHNN giữ nguyên chính sách lãi suất, các chuyên gia nhấn mạnh; đồng thời nhắc lại Báo cáo chiến lược tiền tệ và lãi suất hàng tháng mới nhất của UOB (phát hành ngày 4/4/2025) lập luận rằng các đồng tiền châu Á sẽ bước vào giai đoạn suy yếu tiếp theo, sau khi chính quyền Trump áp đặt hàng loạt thuế quan trừng phạt đối với các nền kinh tế châu Á, trong đó Trung Quốc phải chịu mức thuế tổng cộng lên tới 54%. Khối lượng xuất khẩu gần như chắc chắn sẽ sụt giảm, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng và đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực.

Theo ghi nhận, tỷ giá VND đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới, khoảng 25.800 VND/USD, ngay sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam – một trong những mức thuế cao nhất mà chính quyền Trump áp đặt lên các đối tác thương mại toàn cầu hôm 2/4.

"Thuế quan cao này khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Biện pháp thương mại mới này có thể làm chệch hướng mục tiêu tăng trưởng 8% GDP của Việt Nam trong năm nay. Khi bất ổn gia tăng, áp lực lên tỷ giá VND sẽ tiếp tục leo thang.

Chúng tôi duy trì quan điểm đồng VND sẽ tiếp tục yếu đi, với dự báo cập nhật về tỷ giá USD/VND như sau: 26.500 trong quý II/2025, 27.200 trong quý III/2025, 26.800 trong quý IV/2025, 26.500 trong quý I/2026", chuyên gia dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NHNN có thể hạ lãi suất về mức thấp, nếu thị trường ngoại hối ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO