Hoàn thuế một cách kịp thời là trách nhiệm của ngành thuế, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và chủ trương khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
>>Hoàn thuế GTGT - Không thể để trì trệ, loay hoay mãi
LTS: Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chống gian lận, chống sai sót, nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn.
Chia sẻ với DĐDN, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo có phiên điều trần tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp xuất khẩu thể hiện rõ sức nóng của vấn đề.
- Thưa ông, Chủ tịch Quốc hội đã rất bức xúc khi đặt câu hỏi, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn. Tiền hoàn thuế là tiền của doanh nghiệp, nếu kéo dài mấy năm không hoàn thuế thì liệu doanh nghiệp có sống được không?
Việc một số doanh nghiệp phản ánh hoàn thuế GTGT bị chậm, kéo dài là một thực trạng đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế báo cáo. Đây là vấn đề xuất phát từ trách nhiệm của ngành thuế trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội yêu cầu ngành thuế điều trần, giải trình về vấn đề này để xem xét tính hợp lý, một mặt vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp được phép hoàn thuế, mặt khác phải làm rõ trách nhiệm của ngành thuế thời gian vừa qua.
Thời gian tới Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội sẽ xem xét nội dung điều trần này để làm sáng tỏ hơn các vấn đề. Còn hiện nay, việc chậm hoàn thuế rõ ràng đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp về mặt lợi ích chiểu theo quy định về mặt luật pháp. Điều này còn ảnh hưởng tới chủ trương khơi thông nguồn vốn phục hồi phát triển sau đại dịch.
- Chia sẻ về hành trình xin hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp cho rằng rất “gian nan”. Bởi các yêu cầu thay đổi “360 độ” khiến đơn vị sản xuất, kinh doanh không thể đáp ứng, thưa ông?
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội giao cho Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội yêu cầu ngành thuế giải trình. Đến khi đó mới có thể khẳng định sự “phàn nàn” của doanh nghiệp đúng và chính xác đến đâu.
Thực chất, doanh nghiệp hay ngành thuế đều có những cơ sở đưa ra, như ngành thuế đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm, đề cao tính minh bạch trong các thông tin. Trong khi, doanh nghiệp cũng mong muốn nhanh chóng sớm nhận được khoản tiền hoàn thuế. Vấn đề này sẽ được Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội làm rõ.
>>Hoàn thuế GTGT: Cần công bằng và sòng phẳng
>>Hoàn thuế GTGT: Đâu thể cứ mãi “thà ngâm lầm hơn bỏ sót”
- Tuy nhiên, việc bị “giam” tiền hoàn thuế đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng do thời gian hoàn thuế bị kéo dài, thưa ông?
Vẫn biết, đây là thông tin do phía doanh nghiệp đưa ra do việc hoàn thuế bị kéo dài. Nhưng căn cứ của vấn đề này có hợp lý, chính xác hay không thì cần được xem xét. Thực tế vừa qua, có một số đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về việc hoàn thuế đã cho thấy sự thận trọng của ngành thuế là không thừa. Nhưng việc thận trọng đến mức độ nào để đảm bảo hoàn thuế thông thoáng là đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp.
Chúng ta cần đánh giá một cách khách quan trong việc chậm hoàn thuế này có sự phiền hà, sách nhiễu hay không? Gây thiệt hại cho doanh nghiệp như thế nào?
Như chúng ta đã biết, hiện nay tất cả các khoản chi ngân sách theo yêu cầu từ trình tự thủ tục dự toán... rất chặt chẽ. Việc hoàn thuế lại càng không thể đơn giản. Như vậy, vấn đề này cần phải thận trọng xem xét cả hai phía.
- Vậy, ông có kiến nghị như thế nào về vấn đề này?
Thứ nhất, ngành thuế phải thực hiện nghiêm các quy định chính sách pháp luật về hoàn thuế. Đồng thời, cần có những điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá để xem những quy định, thủ tục nào còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp để sớm sửa đổi.
Thứ hai, quản lý chặt nhưng không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đây là thách thức đối với ngành thuế không được gia tăng các thủ tục hành chính để gây phiền hà cho doanh nghiệp và phải nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Thứ ba, trong trường hợp có những vấn đề chưa rõ ràng, minh bạch thì phải chuyển sang các cơ quan liên ngành xem xét, phối hợp giải quyết, như công an kinh tế, quản lý thị trường… để sớm xác minh làm rõ những thông tin liên quan và có hồi đáp kịp thời cho doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bà Nguyễn Thị Cúc - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam: Chính sách cần rõ ràng Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hoàn thuế bảo đảm 3 điều kiện. Thứ nhất, có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. Thứ hai, có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Thứ ba, có hợp đồng ký kết xuất khẩu hàng hóa và tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Trách nhiệm của ngành thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp thì phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau, không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau. Nếu chứng minh được việc chậm trễ hoàn thuế là do lỗi từ cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền phải hoàn trả, cơ quan thuế còn phải trả lãi với mức 0,03%/ngày, tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn thuế. Trong thực tế, các vi phạm về hoàn thuế là có, nhưng không thể vì thế mà để những doanh nghiệp chấp hành tốt phải thiệt hại. Một trong những nguyên nhân của sự bế tắc trong hoàn thuế GTGT mà doanh nghiệp kiến nghị suốt nhiều năm qua là không rõ ràng trong phân định trách nhiệm. Trong khi dòng tiền đang khan hiếm, thì hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp lại bị treo, gây khó cho hầu hết doanh nghiệp. Nếu trách nhiệm không rõ ràng, thì không ai dám làm, vì ai cũng “sợ”. Đơn cử như việc nhiều doanh nghiệp ngành gỗ có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, nhưng mãi không xong thủ tục vì có những khúc mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong quy trình sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ, có việc người thu gom gỗ nguyên liệu bán cho doanh nghiệp từ nguồn trôi nổi, không phải mua gỗ rừng trồng, nhưng khi cơ quan kiểm tra, trách nhiệm lại đổ vào cả doanh nghiệp sản xuất và cả cơ quan thuế. Chúng tôi mong muốn, các chính sách ngày càng minh bạch, rõ ràng, ai làm thì chịu trách nhiệm, tránh tình trạng người này gây ra để trục lợi, nhưng người gặp khó khăn lại là các doanh nghiệp làm ăn chính đáng. Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Nhất quán chính sách giữa các cơ quan Hiệp hội đã làm văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn GTGT. Theo ước tính, số tiền GTGT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên đến con số trên dưới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp chưa được hoàn thuế. Nguyên nhân là các quy định của Tổng cục Thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan công an, hải quan… xác minh nguồn gốc gỗ. Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thuế chưa nhất quán hướng dẫn về xác minh nguồn gốc lâm sản, trong khi chuỗi cung ứng gỗ trồng đến từ nhiều nhóm đối tượng, bao gồm hàng chục ngàn hộ tư thương, kinh doanh cá thể nhỏ lẻ ở nhiều địa phương khác nhau. Do đó, việc xác minh mất rất nhiều thời gian, có khi là điều không thể thực hiện. Vì thế, giải pháp cần kíp là có sự thống nhất giữa hai bộ, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn GTGT sớm nhất cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tránh nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Việc chậm hoàn GTGT khiến các doanh nghiệp cho rằng như vậy là không công bằng. Nếu doanh nghiệp chậm đóng thuế thì bị tính lãi chậm nộp, thậm chí cấm xuất cảnh, nhưng còn tiền của doanh nghiệp đang nằm kéo rê ở cơ quan thuế thì không có ai chịu trách nhiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, sớm hoàn thuế cho doanh nghiệp chính là “hà hơi tiếp sức”, góp phần phục hồi nền kinh tế. |
Có thể bạn quan tâm
19:19, 22/07/2023
12:00, 13/07/2023
11:00, 09/06/2023
17:16, 27/05/2023