Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đứng trước rủi ro ngắn hạn

NGUYỄN LONG 11/11/2021 05:15

Rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục gia tăng dần cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua vào nhóm cổ phiếu này.

Các CTCK Cho rằng cơ hội đang nằm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Các CTCK cho rằng không phải cổ phiếu vốn hóa lớn mà cơ hội đang nằm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. (Ảnh: Nguyễn Long).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/11, chỉ số VN-Index đã tăng 3,52 điểm (0,24%) lên 1.465,02 điểm. HNX-Index tăng 5,6 điểm (1,29%) lên 438,24 điểm. UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (0,44%) lên 109,66 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 34.905 tỷ đồng, giảm 0,82%, trong đó, giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 0,54% xuống 28.405 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 800 tỷ đồng trên HoSE.

Về cuối phiên, áp lực bán mạnh khiến nhiều cổ phiếu lớn lao dốc và khiến thu hẹp đà tăng của các chỉ số. Trong đó, PDR giảm 3,4%, HPG giảm 2,1%, VJC giảm 1%....

TTCK tăng điểm trước thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam sau khi giãn cách xã hội kết thúc, nhất là ở lĩnh vực thương mại và đầu tư. JPMorgan Chase cho biết lực cầu dầu trong tháng 11 đã về gần mốc 100 triệu thùng/ngày trước đại dịch, dự báo cầu tăng, cung thắt chặt, giá dầu tiếp tục tăng, giá cổ phiếu ngành dầu tăng ở PVD (+1,6%), PVS (+6,5%).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản tháng 10 đạt 918 triệu USD, tăng 47% MoM và gần đạt mức của cùng kỳ năm ngoái, giúp giá cổ phiếu ngành thủy sản tăng ở VHC (+1,1%), MPC (+2,6%). Hội Dệt- May - Thêu - Đan TP. Hồ Chí Minh cho biết tình hình dự báo từ nay đến hết năm, đơn hàng sẽ tốt lên và doanh nghiệp sẽ tăng tốc sản xuất, giá cổ phiếu ngành dệt may tăng ở GIL (+5,1%), VGT (+5,1%). Khối ngoại bán ròng ở PAN (+6,6%), HPG (-2,1%), VJC (-1%).

Diễn biến chỉ số VN-Index (Ảnh: KBSV).

Diễn biến chỉ số VN-Index (Ảnh: KBSV).

Nhận định về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, vùng hỗ trợ gần quanh 1.450 (+-5) điểm đã cho phản ứng sớm và tạo điểm đỡ giúp cho trạng thái thị trường cân bằng hơn. Mặc dù các nhịp rung lắc sẽ còn xuất hiện trong quá trình đi lên, cơ hội mở rộng đà tăng điểm và hướng tới vùng đích kỳ vọng quanh 1.490 (+-5) của VN-Index vẫn đang chiếm ưu thế.

“Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ một phần vị thế bám theo xu hướng chính ở mức cân bằng và linh hoạt trading quay vòng phần còn lại, mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự để tăng hiệu quả cho danh mục”, KBSV khuyến nghị.

CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ còn tiếp tục điều chỉnh ở phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn lớn tiếp tục gia tăng dần cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua vào nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, hai chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps xác lập mức cao kỷ lục, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua đuổi và hạn chế sử dụng đòn bẩy cao ở hai nhóm cổ phiếu này.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế mua vào thêm ở giai đoạn hiện tại hoặc chỉ nên xem xét mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò cơ hội ngắn hạn. Đồng thời, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạ dần tỷ lệ đòn bẩy về mức thấp”, chuyên gia YSNV nêu.

CTCK MB (MBS) cho biết, thị trường chung vẫn dao động bên dưới ngưỡng 1.470 điểm trong 3 phiên vừa qua, tuy thanh khoản luôn duy trì ở mức cao với 28.000 tỷ đồng khớp lệnh và 1 tỷ cổ phiếu được trao tay mỗi phiên trên sàn HSX nhưng dòng tiền vẫn từ chối cơ hội ở nhóm VN30, nhóm cổ phiếu này đã giảm sang phiên thứ 2 liên tiếp và đã giảm 3/5 phiên vừa qua.

Đồng quan điểm với YSVN, MBS cho rằng cơ hội trên thị trường vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi các chỉ số Midcap và Smallcap đều lập các đỉnh cao mới. Với diễn biến như trên, khả năng dòng tiền còn tiếp tục dịch chuyển khỏi nhóm VN30, do vậy chỉ số chung vẫn ở trạng thái dao động trong khi độ rộng thị trường vẫn tích cực, nhóm cổ phiếu bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí,… có thể là nhóm tín hiệu.

CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường có diễn biến thận trọng nhưng VN-Index vẫn giữ được mức thấp nhất trong phiên trước là 1.457,57 điểm và được hỗ trợ. Thanh khoản giảm so với 2 phiên trước, cho thấy áp lực bán chốt lời đang hạ nhiệt. Đồng thời VN-Index đóng cửa ở vùng giá xanh nên tín hiệu hỗ trợ được ghi nhận.

Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, chúng ta có thể kỳ vọng nhịp tăng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ danh mục chiến lược và kỳ vọng vào nhịp tăng của thị trường. Tuy nhiên, do diễn biến phân hóa đang mạnh nên cần cơ cấu danh mục hợp lý, nên chốt lời đối với các cổ phiếu đã tăng cao trong thời gian gần đây và đang chịu áp lực cản, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội ngắn hạn tại các cổ phiếu có tín hiệu hỗ trợ tích cực.

Có thể bạn quan tâm

  • Sau tăng trần, VMD trắng bên mua khi Chủ tịch HĐQT bị khởi tố

    16:30, 10/11/2021

  • Society Pass IPO trên Nasdaq với giá 26 triệu USD

    07:00, 10/11/2021

  • Cổ phiếu BSI nối dài đà tăng bền vững

    05:02, 10/11/2021

  • Linh hoạt đầu tư giữa các nhịp điều chỉnh của VN-Index

    04:30, 10/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đứng trước rủi ro ngắn hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO