Doanh nghiệp sữa Việt cần phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và có chọn lọc để tận dụng lợi thế từ CPTPP và không lo "lép vế" trên chính “sân nhà”.
Theo báo cáo nghiên cứu, đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới kinh tế Việt Nam của Ngân hàng thế giới (WB), việc gia nhập của Việt Nam vào CPTPP sẽ khiến nhiều ngành kinh tế được hưởng lợi và cả những ngành chịu tác động ngược lại.
Cụ thể, WB nhận định mức tăng trưởng cao nhất về sản lượng dự tính sẽ thuộc về các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may. Trong khi đó, nhóm tăng trưởng vừa phải nằm ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Nằm trong số những nhóm hàng được cho là sẽ “hưởng lợi”, sản phẩm sữa sẽ được giảm thuế suất xuống mức 0% trong vòng 7 năm với các nước trong nội khối CPTPP. Điều này được cho là mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi có thể mua sữa và các sản phẩm từ sữa ngoại với mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, đây lại chính là sức ép đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Trong số các nước trong CPTPP, New Zealand và Singapore chính là hai thị trường “quán quân” và “á quân” mà Việt Nam nhập khẩu sữa. Trong đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan năm 2017 cho thấy, nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa từ thị trường New Zealand chiếm đến 26,9% tổng kim ngạch, đạt 232,8 triệu USD, kế đến là Singapore tương ứng với 122,4 triệu USD.
Còn nếu tính hết tháng 2/2018, New Zealand vẫn là thị trường chủ lực cung cấp sữa cho Việt Nam trong 2 tháng đầu năm qua, chiếm 32,3% tổng kim ngạch với 41,3 triệu USD. Tiếp theo là Singapore với 14,5 triệu USD, Malaysia với 5,1 triệu USD và Nhật Bản là 2,4 triệu USD. Như vậy, trong số 10 nước tham gia CPTPP thì đã có đến 4 nước xuất khẩu sữa sang thị trường Việt Nam với thị phần lớn nhất.
Có thể thấy rằng, khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam phải mở cửa để đón các dòng sản phẩm với thuế suất về 0%, mặt hàng sữa, một mắt xích quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam, sẽ phải đương đầu với cuộc tấn công khốc liệt và trực diện từ các “ông hoàng” sữa thế giới, đặc biệt là Mỹ, Úc và New Zealand.
Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hancofood từng chia sẻ, việc giảm 3% thuế cho sữa nguyên liệu không thấm gì với doanh nghiệp sản xuất, nhưng giảm 7-10% thuế với sữa thành phẩm thì sữa ngoại chắc chắn có lý do để đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam. Bởi đơn giản, ngành sữa tại Việt Nam quá hấp dẫn về tiềm năng, với thị trường trên 90 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm. Theo dự báo của VIRAC, sản lượng tiêu thụ sữa của Việt Nam sẽ đạt trên 2,5 triệu lít vào năm 2020.
Trong khi đó, theo Euromonitor, giá thành sữa thành phẩm của Việt Nam hiện khoảng 1,4 USD/lít, vẫn cao hơn mức 1,2 - 1,3 USD/lít ở New Zealand và Úc.
Đặc biệt, theo một số chuyên gia nhận định, sữa tươi 100% nguyên chất ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, do số lượng đàn bò nội địa chỉ đủ cung cấp khoảng 30% nhu cầu cả nước. Báo cáo từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho thấy, ngay cả trong lượng sữa tươi thu mua của nông hộ thì 20-50% sữa đã không đạt chất lượng như yêu cầu.
Mặc dù các doanh nghiệp lớn trong ngành như Vinamilk, TH True Milk đã đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ hơn tiềm lực đầu tư còn yếu. Nói như Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Ngành hàng thịt, sữa, năng lực cạnh tranh của chúng ta còn yếu, giá thành cao mà chất lượng thì không bằng các nước khác”.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần tập trung cho đầu tư sản xuất bài bản và chuyên nghiệp để giải quyết cốt lõi vấn đề chất lượng và cạnh tranh giá thành.
“Nếu không đầu tư thực sự bài bản, chuyên nghiệp thì đây sẽ là vấn đề nan giải. Khi đó, doanh nghiệp Việt sẽ không chỉ thua trên sân đối phương mà còn thua trên sân nhà”, ông Ngô Trí Long nhận định.
Bên cạnh đó, để biến những áp lực về giá thành, chất lượng thành động lực cải thiện sản xuất, đồng thời tận dụng cơ hội tiếp thu công nghệ khoa học tiên tiến từ các nước, các chuyên gia còn cho rằng, doanh nghiệp nội phải lựa chọn sản phẩm và thị trường để phát triển theo hướng tập trung, tậm dụng lợi thế sân nhà.