[eMagazine] Nhức nhối tình trạng chiếm đất ven sông Hồng

GIA NGUYỄN - THÙY LINH 28/03/2021 12:00

Mặc dù là hiện trạng gây bức xúc dư luận nhiều năm qua, thế nhưng, việc chiếm dụng đất ven sông Hồng chưa bao giờ hạ nhiệt, nhất là khi nhiều địa phương tại Hà Nội đang cố tình “ngó lơ”…

Đề án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hứa hẹn tạo ra sự chuyển mình cho TP. Hà Nội với độ bao phủ trên diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa bàn 55 phường, xã của 13 quận, huyện.

Tuy nhiên, có một thực trạng khiến dư luận vô cùng quan ngại khi nhiều địa phương trên địa bàn đang để hiện trạng chiếm dụng đất ven vùng quy hoạch, không chỉ đe dọa lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong công tác phòng, chống lũ lụt, đảm bảo an toàn nội đô… 

Hà Nội tái khởi động Đề án quy hoạch hai ven sông Hồng

Hà Nội tái khởi động Đề án quy hoạch hai ven sông Hồng

Thực tế, TP. Hà Nội có hai hệ thống sông chính với 7 dòng chảy qua, chạy dọc các sông là hệ thống đê điều dài 626,124km, đi qua địa bàn 224 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố có 251 khu dân cư, với 6.744 hộ dân, tương ứng 30.177 nhân khẩu đang sinh sống trong phạm vi bảo vệ đê điều, không chỉ có vậy, trên địa bàn nhiều phường, xã, tình trạng chiếm dụng, “xẻ thịt” đất công vẫn diễn ra vô cùng rầm rộ cho thấy sự “buông lỏng” quản lý của chính quyền địa phương.

Loạn vi phạm Luật Đê điều, chiếm dụng hành lang thoát lũ là vấn đề “nóng” tại Hà Nội nhiều năm qua, khi con số vi phạm ngày một gia tăng, còn con số giải quyết vi phạm tồn đọng ngày một lớn.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, TP. Hà Nội có tới 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, tuy nhiên, số vụ được giải quyết chỉ vẻn vẹn 5 vụ… tính từ năm 2011 – 2019, thành phố còn tồn đọng 1.821 vụ việc chưa xử lý, khiến dư luận vô cùng quan ngại về việc đảm bảo an toàn nội đô, trước diễn biến phức tạp của thiên tai nhiều năm trở lại đây.

Đáng nói, bên cạnh những vi phạm tồn tại ở nhiều quận, huyện như: Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm, Hai Bà Trưng,… Tại báo cáo số 1389/BC-CCĐĐ ngày 24/9/2020 của Chi cục Đê điều Hà Nội cho thấy, một số địa phương vẫn tồn tại các vi phạm “nổi cộm” cần quan tâm xử lý như: vi phạm tại các cuối ngõ 1,5,9 và 11 tập thể F361, An Dương, phường Yên Phụ hay cuối ngõ 76 An Dương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ; Tình trạng đổ phế thải, tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng với quy mô lớn tại quận Hoàng Mai; Tình trạng đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng lấn chiếm lòng sông Cà Lồ tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn;…

Không chỉ xâm lấn, chiếm dụng đất đai tại hành lang thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều, trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội còn vô tư diễn ra hiện trạng “xẻ thịt” đất công khi hàng loạt công trình được dựng lên trên phần diện tích đất vườn, đất nông nghiệp trước mắt chính quyền nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, thoải mái xây dựng, sử dụng sai mục đích.

Dọc theo các phường Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân… quận Tây Hồ, không khó để ghi nhận lại thực trạng những nhà xưởng, bãi xe, sân tenis, hàng quán,… mọc trên đất vườn, đất nông nghiệp ngang nhiên tồn tại, hoạt động kinh doanh một cách rầm rộ,...

Đáng nói, những vi phạm đã nêu đều tồn tại trên diện tích lớn, không phải cái kim sợi chỉ, thế nhưng, trong mắt chính quyền địa phương, tất cả như bị “che mờ” đi bởi một “sức nặng vô hình” mang tên “lợi ích”.

Nhiều công trình vi phạm công khai, được cơ quan báo chí phản ánh, chỉ mặt điểm tên thì qua loa kiểm soát, cho dừng hoạt động thi công nhưng không mạnh tay xử lý trả nguyên hiện trạng ban đầu, không hiểu chính quyền địa phương đang ngại “va chạm” hay là cố tình “tiếp tay” cho sai phạm hoành hành?

Đặc biệt, sau thông tin đề án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tái khởi động, dự kiến phê duyệt vào tháng 6/2021 thì dường như hiện trạng chiếm dụng đất ven sông lại càng “lý do” để tồn tại, bởi “miếng bánh” lợi ích ngày một cao, bất chấp những hệ lụy sẽ xảy trước diễn biến phức tạp của thiên tai.

Trước đó, sau loạt bài phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về những vi phạm Luật Đê điều, chiếm dụng hành lang thoát lũ trên địa bàn Thủ đô, Văn phòng Chính phủ có công văn số 6762/VPCP-NN ngày 14/8/2020, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý…

Tiếp đến ngày 18/9/2020, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 8069/VP-KT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Thường trực – Nguyễn Văn Sửu, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng UBND các quận, huyện, thị xã có đê khẩn trương chủ động liên hệ, phối hợp, cung cấp thông tin cho Diễn đàn Doanh nghiệp.

Những văn bản đôn đốc, chỉ đạo vẫn chưa được các đơn vị thực thi

Những văn bản đôn đốc, chỉ đạo vẫn chưa được các đơn vị thực thi

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương đôn đốc, xử lý những vi phạm, trong đó có những vi phạm được cho là điểm “nóng” cần phải giải quyết dứt điểm, thế nhưng, cho đến nay, những vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, nổi cộm trong số đó là các công trình cuối ngõ 1,5,9 và 11 tập thể F361, An Dương, phường Yên Phụ hay cuối ngõ 76 An Dương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, dẫn đến một số vi phạm mới phát sinh như một tiền lệ. Liệu chính quyền địa phương có đang bất lực hay cố tình làm ngơ?

Thực tế, do lịch sử hình thành khu dân cư và phát triển hệ thống đê điều nên hiện nay nhiều xã, phường, thị trấn của TP. Hà Nội có địa giới hành chính nằm ở các bãi ven sông, đặc biệt là các khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ… nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng, nhiều nơi thuộc các xã, phường thuộc khu vực di dời (theo quy hoạch phòng, chống lũ trước đây) gây ra khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị…

Nhiều vi phạm mới xảy ra nhưng vẫn được

Nhiều vi phạm mới xảy ra nhưng vẫn được "đổ lỗi" cho lịch sử

Nhiều năm qua, mỗi khi nhắc tới sai phạm tồn tại, hầu hết các lãnh đạo địa phương, các cơ quan quản lý đều đổ lỗi do “lịch sử để lại”, thế nhưng, hầu hết những đơn vị này lại “quên” - “đã sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh” dù là cũ hay mới, mỗi một ngày trôi qua là một trang sử mới, mỗi một nhiệm kỳ trôi qua là một dấu ấn mới với chính sách được ban hành để phù hợp với thực tiễn, để giải quyết những tồn tại, tuy nhiên, chỉ có sai phạm cứ chồng sai phạm.

Thực trạng tại quận Tây Hồ hiện nay nói riêng và đất ven sông Hồng tại Hà Nội nói chung, nếu không có lời giải sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện dự án phân khu đô thị sông Hồng. Khi mặt bằng quy hoạch ven sông đang bị “xẻ thịt”, chiếm dụng một cách nghiêm trọng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng đội vốn, chưa kể đến nếu không có chính sách đền bù thỏa đáng, sẽ dẫn đến tình trạng kiện cáo kéo dài, gây mất an ninh trật tự,… Trong khi lỗi xuất phát từ chính công tác quản lý của các lãnh đạo địa phương.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, đối với những vi phạm về đất đai, Điều 5 Nghị định số  91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả rất rõ ràng, trong đó, ngoài những biện pháp xử phạt như cảnh cáo, phạt tiền thì một trong các biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện đó là: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm theo quy định; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định;…

Cũng theo Luật sư Hiệp, điều quan trọng nhất trong xử lý vi phạm đất đai như PV phản ánh là phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trong việc để xảy ra các vụ vi phạm, việc xây dựng phương án, lộ trình cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm cũng cần được xem là một trong những tiêu chí xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, có như vậy mới tránh được tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm, dẫn tới vi phạm không được xử lý dứt điểm.

Trước đó, liên quan đến các “điểm nóng” về vi phạm Luật Đê điều, theo đại diện Vụ Quản lý đê điều - Tổng cục Phòng, chống thiên tai, từng nhấn mạnh, cần phải phân rõ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở; tăng chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đê điều là những giải pháp quan trọng để xử lý dứt điểm tình trạng “nhờn luật”.

“Đối với các vi phạm nghiêm trọng nếu xác định đủ điều kiện cấu thành tội phạm, cần khởi tố hình sự theo quy định củ Bộ luật Hình sự để tạo tính răn đe”, vị đại diện Vụ Quản lý đê điều chia sẻ.

Nổi bật
Mới nhất
[eMagazine] Nhức nhối tình trạng chiếm đất ven sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO