Mới đây, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định 1481 về giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, sau một tháng Quyết định này có hiệu lực, nó đang bộ lộ nhiều bất cập, gây bức xúc cho ngư dân và gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước.
Ngư dân lo lắng
Trước đây, theo Nghị định 33 năm 2010 về quản lý hoạt động khai thác thủy sản thì tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên được khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cá, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, theo Luật Thủy sản mới, quy định tàu cá phải đảm bảo dài 15m trở lên mới được đánh bắt tại vùng khơi (không căn cứ vào công suất nữa).
Thực hiện quy định này, Bộ NNPTNT ban hành Quyết định 1481 về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho các tỉnh, thành (có hiệu lực từ ngày 2/5). Trong đó, tỉnh nhiều nhất là Kiên Giang với 4.060 giấy phép, thấp nhất là TP HCM và Ninh Bình với 50 giấy phép. Quy định này đang bị ngư dân phản ứng gay gắt vì cho rằng không phù hợp với thực tế.
Anh Trần Deo (55 tuổi, Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) cho biết, đang "xao động tinh thần" trước quy định mới tàu phải trên 15m mới được đánh bắt ở vùng khơi. Trong giấy tờ hiện tại, con tàu của anh dài 14,9m nên anh Deo đang đề nghị cơ quan chức năng đo lại lần nữa xem có chính xác không. "Nhiều tàu cá ngư dân ở đây đang rơi vào tình trạng "thiếu thước". Tôi nhẩm tính cũng khoảng 100 tàu phải từ vùng khơi về lại vùng lộng" - anh Deo nói.
Cùng tâm trạng, ngư dân Huỳnh Phi Hùng (55 tuổi, Hòn Rớ, xã Phước Đồng) chia sẻ: "Quy định này khiến ngư dân rất dễ vi phạm bất đắc dĩ. Bởi một khi họ trở về vùng lộng đánh bắt nhưng không có cá và không phù hợp với ngành nghề hiện tại thì họ sẽ không còn cách nào khác, buộc phải chạy tàu ra vùng khơi, chứ đã chấp nhận lỗ, coi như bỏ nghề".
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, nhiều tàu cá đang nằm bờ chờ ý kiến xử lý của Bộ NNPTNT liên quan đến quy định mới tàu dưới 15m không được đánh bắt ở vùng khơi. Nhiều ngư dân có tàu dài dưới 15m cũng không dám đi và nằm bờ theo dõi ý kiến của cấp trên thôi" - ông Hiếu nói và cho biết theo Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (vừa có hiệu lực), tàu không đủ kích thước vẫn đi khai thác vùng khơi thì bị phạt với mức tiền từ 500 - 700 triệu đồng.
Theo ông Hiếu, hiện nay các doanh nghiệp thu mua thủy sản xuất khẩu từ chối "rất căng" về nguồn gốc sản phẩm khai thác. Những tàu đánh bắt bất hợp pháp IUU (đánh ghi nhật ký khai thác, giấy tờ không hợp lệ...) thì họ loại ra ngay lập tức, nên ngư dân không dám vi phạm vùng đánh bắt và không khai báo nhật ký khai thác. Quản lý cảng cá biết tàu cá đó đánh bắt bất hợp pháp mà vẫn cho tàu cá đó cập cảng thì cũng bị liên đới trách nhiệm, xử phạt mức tiền lên đến hàng chục triệu đồng (theo Nghị định 42). - ông Hiếu chia sẻ thêm.
Cần xem xét sửa đổi
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, Khánh Hòa hiện có 1.366 tàu cá công suất trên 90CV. Theo quyết định 1481, tỉnh này chỉ được cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho 768 tàu, 598 tàu không được ra vùng khơi. "Bây giờ chúng tôi đề xuất thêm tàu ra vùng khơi, ngư dân cải hoán trên 15m để đủ điều kiện thì cũng không còn hạn ngạch để cấp giấy phép khai thác thủy sản cho vùng này" - ông Chánh nói và cho biết nhu cầu cải hoán, nâng cấp tàu cá dài hơn 15m là rất lớn. "Chúng tôi đã báo cáo Sở NNPTNT, UBND tỉnh đề xuất Bộ NNPTNT xem xét lại để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển" - ông Chánh nói.
Có thể bạn quan tâm
05:05, 29/05/2019
16:30, 17/05/2019
08:51, 09/05/2019
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Nhạn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, địa phương hiện có gần 1.200 tàu trên 90CV, nhưng chiếu theo quy định mới (tàu 15m trở lên) thì chỉ có 451 tàu đủ điều kiện. Điều này có nghĩa khoảng trên dưới 700 tàu phải từ vùng khơi trở về vùng lộng đánh bắt thủy sản. Quy định này theo ông Nhạn là bất cập, tạo ra khó khăn cho ngư dân, cần được tháo gỡ.
"Tôi ví dụ nghề câu cá ngừ đại dương chẳng hạn. Ngư dân phải ra vùng khơi mới có, vùng lộng đâu có đâu loại cá này. Điều này vô hình dung phát sinh vi phạm của ngư dân, dù không đủ chiều dài trên 15m nhưng vì miếng cơm, manh áo, họ vẫn ra vùng khơi để đánh cá ngừ đại dương. Sản phẩm sau khai thác lại tiếp tục "dính" phải hàng thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc bất hợp pháp mà EC đã nhiều lần khuyến nghị" - ông Nhạn nêu quan điểm và cho biết đang làm báo cáo gửi UBND tỉnh trình ra Bộ NNPTNT để xem xét giải quyết các bất cập.