Những đổi mới lịch sử tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV

Vân Du 22/10/2018 05:00

Hôm nay (22/10), tại Hà Nội, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6 – kỳ họp được cho là có nhiều điểm mới lịch sử so với các kỳ họp trước.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc sáng nay (22/10)

Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc sáng nay (22/10)

Theo thông lệ, vào kỳ họp cuối năm, bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội thường tập trung xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. So với các kỳ họp trước, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, được kỳ vọng sẽ là một kỳ họp mang tính lịch sử.

Có thể bạn quan tâm

  • Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV: Bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn CPTPP

    Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV: Bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn CPTPP

    18:58, 18/10/2018

  • Bầu Chủ tịch nước, tuyên thệ nhậm chức trong ngày 23/10

    Bầu Chủ tịch nước, tuyên thệ nhậm chức trong ngày 23/10

    15:50, 16/10/2018

  • Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước: Thời điểm chín muồi và hợp lòng dân

    Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước: Thời điểm chín muồi và hợp lòng dân

    11:30, 11/10/2018

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu làm Chủ tịch nước

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu làm Chủ tịch nước

    18:50, 03/10/2018

____ TỔNG BÍ THƯ ĐƯỢC GIỚI THIỆU BẦU LÀM CHỦ TỊCH NƯỚC _____

Tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay những ngày đầu diễn ra kỳ họp. Theo đó, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Hiện, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức quyền Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Dự kiến sau khi được Quốc hội bầu, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và buổi lễ được truyền hình trực tiếp. "Vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Trung ương thống nhất 100% giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết. 

_____ BÁO CÁO VƯỚNG MẮC ĐỂ KỊP THỜI GIẢI QUYẾT _____

Tại kỳ họp này đó là, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước đây, Quốc hội chỉ thực hiện đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội theo giai đoạn 5 năm, tức 5 năm mới đánh giá 1 lần. Còn tại kỳ họp thứ 6 tới đây, dù Chính phủ mới chỉ có 3 năm để thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 nhưng Quốc hội vẫn yêu cầu báo cáo nhằm xem xét, tìm ra vướng mắc để giải quyết, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016-2020.

“Nội dung này là cần thiết trong điều kiện cuộc chiến thương mại đang diễn ra phức tạp, khó lường như hiện nay và chúng ta phải có đối sách phù hợp” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

_____ CHẤT VẤN “HỎI NHANH – ĐÁP GỌN” _____

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 sẽ vẫn tiếp tục thực hiện theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” như đã bắt đầu áp dụng tại kỳ họp trước.

Song tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đề nghị các ĐBQH không thảo luận về nội dung các báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao trình ra mà sẽ dành trọn vẹn thời gian 3 ngày để “hỏi và đáp” luôn.

“Đổi mới như vậy sẽ giúp có thêm thời gian để các ĐBQH chất vấn, chất vấn lại các công việc mà Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đã làm được, xem cái gì còn tồn tại chưa khắc phục được thì phải làm rõ nguyên nhân và hứa hẹn thời gian cụ thể…” – Tổng thư ký Quốc hội nói.

_____ TĂNG TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP SỐ PHIÊN HỌP _____

Tại kỳ họp thứ 6 này, dự kiến sẽ có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp). Đây là kỳ họp có tỷ lệ số phiên họp được tường thuật trực tiếp nhiều nhất.

_____ XEM XÉT PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH CPTPP_____

Một điểm mới có tính chất lịch sử nữa là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP có ý nghĩa quan trọng đối với việc hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay...

_____ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM 48 CHỨC DANH _____

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Nghị quyết số 85/2014/QH13 (năm 2014), tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48/50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Hiện có tất cả 50 chức danh thuộc diện này, trong đó theo dự kiến thì tân Chủ tịch nước và tân Bộ trưởng Thông tin Truyền thông sẽ không lấy phiếu tín nhiệm do mới được bầu và phê chuẩn

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” (ba mức).

Ngoài ra, theo Tổng thư ký Quốc hội, trước kỳ họp 30 ngày, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi hồ sơ đánh giá kết quả công tác đến từng đại biểu để nghiên cứu. "Tại phiên họp Thường vụ mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói đây là kỳ họp cuối năm, có nhiều việc quan trọng cần thảo luận, đề nghị các đại biểu nêu gương không nhận lời mời dự gặp mặt của các bộ, ngành trong dịp này", ông Phúc nói.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Cụ thể, các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những đổi mới lịch sử tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO