Bằng cách chọn những món quà từ những nhà cung cấp có trách nhiệm với xã hội và giới thiệu rõ ràng trong từng hộp quà, Rothschild mong muốn mọi người sẽ quý trọng và không lãng phí các gói quà.
>>FPT và chuyện trách nhiệm xã hội
Leeatt Rothschild là một nhà tư vấn mảng trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp. Cô nhận thấy cứ mỗi mùa lễ hội, quà tặng lại tràn ngập khắp các gian bếp và nhiều người thậm chí còn vứt quà tặng. Khi đó cô nghĩ rằng nếu các doanh nghiệp và khách hàng có thể mua quà một cách chu đáo hơn, thì lượng rác thải từ các món quà sẽ giảm, cải thiện đáng kể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Không để đây chỉ là một ý tưởng thoáng qua, cô bắt tay vào thành lập một công ty. Đó chính là Pack With Purpose, một công ty chuyên cung cấp những gói quà được tạo thành từ những sản phẩm do các công ty có trách nhiệm với xã hội cung cấp. Năm 2021, Pack With Purpose đứng vị trí thứ 149 trong danh sách những công ty sáng tạo nhất năm 2021 của tạp chí Inc. 5000. Số liệu mới nhất cho thấy doanh thu năm 2020 của công ty là 4 triệu USD.
Câu chuyện khởi nghiệp của Rothschild là minh chứng cho cách thức một ý tưởng có thể biến thành một công chuyện làm ăn có giá trị và mở rộng nhanh chóng với các yếu tố đặc trưng: tạo các sản phẩm mẫu, nghiên cứu thị trường với chi phí thấp và tập trung vào khách hàng - đối tác.
Tạo những hộp quà mẫu
Công việc ban đầu của Rothschild là tạo ra những hộp quà mẫu. Cô thuê một người thiết kế đồ họa và bỏ 99 USD để làm một logo. Sau đó cô mua hộp và tập hợp các vật phẩm, chẳng hạn nến từ đậu nành của Bright Endeavors, một công ty Chicago hỗ trợ cho những người vô gia cư và các thanh snack từ Detroit Food Academy, một doanh nghiệp cung cấp các khóa học kinh doanh và lãnh đạo cho người trẻ. Đến tận ngày nay những sản phẩm của hai đơn vị này vẫn xuất hiện trong các gói quà của Packed With Purpose.
Đến Tháng Ba 2016, cô tặng những gói quà này cho bạn bè và người thân với mong muốn nhận được góp ý, phản hồi.
Nghiên cứu thị trường ban đầu
>>Amway Việt Nam phát hành Báo cáo trách nhiệm xã hội
Khi nhận được gói quà, bạn của cô nói rằng họ muốn biết nhiều thêm về câu chuyện của vật phẩm cũng như tác động của chúng đến xã hội. Góp ý này giúp Rothschild nảy ra ý tưởng tạo booklet, trong đó nêu rõ câu chuyện đằng sau từng sản phẩm và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đó. Và mỗi gói quà đều có một booklet.
Theo Rothschild, việc tặng “quà dùng thử” cho bạn bè và người thân là một cách nghiên cứu thị trường không cần tốn nhiều chi phí nhưng vẫn có hiệu quả.
Ba tháng sau đó Rothschild chính thức khởi động Packed With Purpose với số tiền tiết kiệm 150.000 USD của mình. Hiện nay công ty có trụ sở tại Chicago này có 18 nhân viên và trở thành đối tác của những tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Microsoft, Bank of America và Pfizer.
Mỗi gói quà có giá từ 25 đến 250 USD. Vật phẩm trong gói cũng rất đa dạng. Có thể kể đến những món snack từ Together We Bake, thương hiệu granola có chương trình đào tạo lao động cho những người sống sót sau bạo lực gia đình. Hoặc tạp chí bìa gỗ của Woodchuck USA, đơn vị cam kết trồng một cây xanh cho một sản phẩm bán được.
Một trong những gói quà được yêu thích nhất là gói 100 USD gồm những đồ vật lưu niệm dễ thương như dụng cụ khuấy đồ uống bằng thủy tinh hoặc trà bưởi sủi bọt. Đây là các vật phẩm được làm từ những gia đình người da đen hoặc những thanh niên phục hồi sau chấn thương do súng đạn.
Nếu nói về mảng quà tặng nói chung, thì đối thủ lớn nhất của Packed With Purpose là Harry & David. Tuy nhiên ở ngách quà tặng tác động đến xã hội thì cũng có rất nhiều đối thủ, chẳng hạn Give a Damn Goods (thương hiệu đồ gia dụng sản xuất thủ công), EarthHero (sàn thương mại thân thiện với môi trường), hoặc untold (công ty cung cấp dịch vụ quà tặng hỗ trợ các doanh nghiệp người da màu).
Kết nối đối tác
Packed With Purpose có 140 đối tác cung cấp hàng hóa, trải dài trên 33 tiểu bang ở Mỹ và 16 quốc gia. Tất cả đều là những thương hiệu có các hành động vì sự phát triển bền vững, vì môi trường, đào tạo lực lượng lao động, trao quyền cho phụ nữ, hỗ trợ phát triển thanh thiếu niên, hoặc các doanh nghiệp do người da màu hoặc phụ nữ làm chủ.
Theo Rothschild, điểm mạnh của Packed With Purpose là chăm chút với đối tác và có trách nhiệm với khách hàng. Công ty của cô sẽ mua lại sản phẩm từ các đối tác, còn đối tác thì không cần trả tiền để tham gia mạng lưới của Packed With Purpose.
Ngoài ra Packed With Purpose cũng rất tích cực chia sẻ câu chuyện của các doanh nghiệp đối tác. Không chỉ booklet, Packed With Purpose còn quảng bá các câu chuyện trên những kênh marketing khác và website của mình. Khi đó người mua có thể mua hàng dựa trên “hạng mục ảnh hưởng”, chẳng hạn vật phẩm từ người da đen, da màu, vật phẩm do phụ nữ làm, hoặc vật phẩm phát triển bền vững. Ngoài ra Packed With Purpose còn giúp đỡ đối tác thiết kế lại bao bì để có thể thể hiện câu chuyện tốt hơn, cũng như giảm chi phí vận chuyển.
Về phía khách hàng Packed With Purpose cũng có những tiện ích thú vị. Chẳng hạn những khách hàng trong ngành dịch vụ tài chính thường gặp khó khăn trong việc lưu trữ địa chỉ của người nhận quà. Với vấn đề này công ty tạo ra dịch vụ thu thập địa chỉ, giúp họ có thể theo dõi những thông tin bí mật nhưng vẫn bảo vệ được quyền riêng tư của người nhận.
Phát triển trong tương lai
Là một công ty đang phát triển, thử thách lớn nhất của Packed With Purpose là phải nhanh nhẹn thích nghi với những điều kiện luôn thay đổi. Trong suốt đại dịch, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn làm gián đoạn nguồn hàng và quá trình vận chuyển. Khi đó Packed With Purpose phải tìm những sản phẩm tương tự có nguồn hàng sẵn, cũng như phối hợp chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo hàng hóa thông suốt.
Rothschild chia sẻ rằng bước tiếp theo cô muốn đầu tư nhiều hơn vào dịch vụ công nghệ, đặc biệt là công cụ giúp hệ thống quản lý đơn hàng hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó cô muốn đầu tư phát triển nhân tài phù hợp với định hướng công ty. Xa hơn thế, cô đang cân nhắc liệu nên thuê agency để phát triển phần mềm hay tuyển chuyên gia lập trình.
Có thể bạn quan tâm