2021 đánh dấu một năm lịch sử chuyển động của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều kỷ lục được thiết lập. Cùng Diễn Đàn Doanh Nghiệp nhìn lại một năm đáng nhớ qua các kỷ lục chứng khoán...
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 1.306.497 tài khoản chứng khoán trong 11 tháng năm 2021, tăng tới 297% so với cùng kỳ.
Dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua có thể được giải thích bởi:
* Hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ) tăng lên khi các chỉ số chứng khoán vượt đỉnh lịch sử và thu hút sự chú ý lớn của các nhà đầu tư.
* Môi trường lãi suất thấp. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,5%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm bình quân giai đoạn 2017-2019 (trước đại dịch COVID-19) là 6,8%-7,0%/năm. Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh tìm kiếm các kênh đầu tư khác có lợi suất cao hơn; tiêu biểu là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.
* HOSE nâng cấp thành công hệ thống giao dịch đã giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên thị trường, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Thanh khoản bùng nổ là điểm nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2021 tăng 258,0% so với cùng kỳ lên 26.652 tỷ đồng do dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE đạt 21.834 tỷ đồng/phiên (+245,2% so với cùng kỳ) trong khi thanh khoản trên HNX và UPCOM cũng tăng lên tương ứng 3.138 tỷ đồng/phiên, tăng 343,2% so với cùng kỳ và 1.680 tỷ đồng/phiên tăng 307,2 % so với cùng kỳ.
Trong 3 tuần đầu tháng 11, bình quân giao dịch đạt gần 40 nghìn tỷ đồng. Kỷ lục cao nhất đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) trong phiên 19/11. Trong 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán đã huy động cho nền kinh tế khoảng 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đến 30/9/2021, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch. Đây là con số ấn tượng so với con số vỏn vẹn 2 mã chứng khoán đăng ký giao dịch những ngày đầu thị trường chứng khoán ra đời. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán năm 2020 đã đạt trên 30 điểm phần trăm GDP.
Ngày 23/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN - VNX) theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cơ cấu tổ chức quản lý của VNX bao gồm: Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên. VNX có 02 công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ là HNX và HOSE. Cơ cấu tổ chức quản lý của HNX và HOSE bao gồm: Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn.
Ngày 01/4/2021 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 757/QĐ-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNX với mục tiêu đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán tại các SGDCK được vận hành công khai, công bằng, trật tự, an toàn và hiệu quả; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán. Ngày 6/8/2021, VNX đã chính thức hoạt động, đồng thời HNX và HOSE đã hoạt động với tư cách là công ty con của VNX.
Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, VNX đã triển khai các hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động khác theo Quyết định 37 như xây dựng và ban hành các Quy chế nghiệp vụ; xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển; quản lý, giám sát HNX và HOSE. UBCKNN đã xem xét, chấp thuận các quy trình, quy chế của VNX theo thẩm quyền. Ngày 11/12, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt VNX. Với sự ra đời chính thức của tổ chức này, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự phát triển vững mạnh hơn, hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực hơn vào sự phát triển của đất nước.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/11 đã đi vào lịch sử chứng khoán Việt Nam khi VN-Index tăng 11,94 điểm (+0,8%) lên 1.500,81 điểm. Áp lực chốt lời tăng mạnh ở ngưỡng này. Tuy nhiên, dòng tiền cuồn chảy đã giúp VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử hơn 20 năm vượt qua.
Thời điểm VN-Index vượt đỉnh lịch sử diễn ra trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi như: lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường đông, dòng tiền dồi dào đổ vào thị trường khi lãi suất ngân hàng duy trì mức thấp, thanh khoản thị trường có phiên tới 2,5 tỷ USD….
Theo VNDirect, VN-Index đạt mức tăng ấn tượng 28,1% so với đầu năm 2021, vượt qua tất cả các thị trường chứng khoán Đông Nam Á, bao gồm SET Index (+9,6% từ đầu năm 2021), STI Index (+9,6% từ đầu năm), JCI Index (+9,5% từ đầu năm) , Chỉ số PCOMP (-0,1% từ đầu năm) và Chỉ số FBMKLCL (-8,8% từ đầu năm).
Một điểm đáng chú ý của thị trường là bất chấp VN-Index tăng mạnh, thanh khoản thị trường ở mức cao, nhưng lại là năm thứ 2 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Thống kê trong 11 tháng qua, khối ngoại bán ròng gần 60 nghìn tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với con số cùng kỳ năm 2020.
Với lượng bán ròng này, Việt Nam trở thành thị trường bị bán ròng lớn nhất Đông Nam Á, bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu kỷ lục tại thị trường Việt Nam với 2,7 tỉ USD vào năm 2021.
Nguyên nhân được cho khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong năm 2021 liên quan trực tiếp đến việc họ lo ngại rằng, các thị trường cận biên sẽ phản ứng tiêu cực hơn với diễn biến của đại dịch COVID-19 so với các thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu.
Khi rủi ro gia tăng do đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường cận biên (rủi ro cao) và đầu tư vào các thị trường phát triển (rủi ro thấp), đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh lãi suất điều hành của FED tiệm cận mức 0%.
Trong nửa sau của năm 2021, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm vốn hóa nhỏ và trung bình, giúp VNSML Index và VNMID Index vượt qua chỉ số VN-30 và VN-Index để trở thành những chỉ số tăng trưởng tốt nhất, lần lượt tăng 82,4% và 52,4% so với thời điểm đầu năm.
Hầu hết các ngành chứng kiến đà tăng trong năm 2021 ngoại trừ ngành Đồ uống. Đáng chú ý, ngành Chứng khoán là ngành có mức tăng tốt nhất trong năm 2021 với mức tăng ấn tượng 136,8% từ đầu năm, tiếp theo là Công nghệ Thông tin (+84,4% từ đầu năm), Bán lẻ (+70,0% từ đầu năm), Xây dựng (+64,4% từ đầu năm) và Vật liệu xây dựng (+58,6% từ đầu năm).
Ngược lại, Đồ uống là ngành duy nhất ghi nhận mức sụt giảm 16,5% từ đầu năm. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng mạnh nhất trong năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân phiên của VNSML (đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tăng 315,3% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân phiên của VN30 (đại diện cho nhóm vốn hóa lớn) và VNMID (đại diện cho nhóm vốn hóa trung bình) lần lượt tăng 203,4% / 265,9% so với cùng kỳ. Các ngành Chứng khoán, Vận tải, Dầu khí và Thép có thanh khoản tăng mạnh nhất trong năm 2021.
Ngày 5/7/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã chính thức đưa vào vận hành giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HoSE, sử dụng phần mềm của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội (HNX) do CTCP FPT cung cấp.
Hệ thống mới của FPT trên HoSE đã hoạt động thông suốt, có thể xử lý từ 3-5 triệu lệnh/phiên, gấp 3-5 lần hệ thống cũ, có khả năng đáp ứng nhu cầu của HoSE và thị trường ít nhất từ 3-5 năm tới. Tuy vậy, vẫn còn khiêm tốn nếu so với năng lực xử lý 20-30 triệu lệnh/phiên của HNX, dù phần lõi của hệ thống trên HoSE được sửa từ hệ thống trên HNX, bởi đây chỉ là hệ thống mang tính tạm thời.
Dự kiến nửa đầu năm 2022, hệ thống giao dịch của FPT trên HoSE sẽ được thay bằng hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX).
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết tăng trưởng thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam quý 3/2021 đã tăng tốc ở mức 8,1% so với quý trước, làm tăng quy mô thị trường lên tới 83,6 tỉ USD. Nhưng tính chung tăng trưởng hằng năm vẫn giảm 23,5%.
Cụ thể, trái phiếu Chính phủ tăng 4,2% so với quý trước lên 62,1 tỉ USD vào cuối tháng 9-2021. Hoạt động phát hành sôi động trong khu vực doanh nghiệp đã thúc đẩy mức tăng trưởng theo quý đạt 21,5% của phân khúc này, mặc dù tốc độ này chậm hơn so với quý 2. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đã tăng lên 21,4 tỉ USD.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi với dự thảo Thông tư về tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán. Dự kiến, theo UBCKNN cho biết, sang năm 2022 sẽ đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường.
Có thể thấy, khi có một sàn giao dịch tập trung, có trái phiếu niêm yết trên thị trường, có người mua người bán và có hàng hóa niêm yết sẽ giúp kích hoạt thanh khoản cho thị trường trái phiếu thứ cấp. Như vậy, với việc đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động trên HNX là động thái tích cực, giúp việc mua bán thuận tiện.
Bên cạnh đó, động thái này phù hợp với quy hoạch của UBCKNN xây dựng sàn HOSE tập trung vào cổ phiếu và sàn HNX tập trung vào trái phiếu, phải sinh và một số sản phẩm trái phiếu Chính phủ…