Fintech bùng nổ không chỉ tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường tài chính nói chung, còn tiềm ẩn các rủi ro cho nhà đầu tư, người vay tiền và làm “đau đầu” các cơ quan quản lý.
Rủi ro cho nhà đầu tư
Hiện nay, các công ty Fintech đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo thống kê của Fintechnews, số lượng startup trong lĩnh vực này đã tăng hơn 207% trong giai đoạn 2016-2020, từ 40 công ty năm 2016 lên 123 công ty vào năm 2020. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc thống trị, chiếm 31% số lượng các công ty Fintech.
Cụ thể, có 39 công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán, trong đó, 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và Vietel Pay. Với hơn 4 triệu người tiêu dùng, toàn hệ thống xử lý lên tới 214,6 triệu món giao dịch với số tiền trên 91.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) có hơn 40 công ty hoạt động cung cấp sản phẩm cho vay nhanh.
Hoạt động cho vay nhanh một mặt hỗ trợ khách hàng có thêm các khoản vay tín chấp ngắn hạn, phù hợp với điều kiện tiêu dùng. Mặt khác, hoạt động này còn thu hút một lượng nhà đầu tư bỏ tiền thông qua các app trung gian và lấy lãi từ 15-18%/năm. Nhất là trong giai đoạn COVID-19 khó khăn với toàn nền kinh tế, thì một kênh gửi tiền có lãi suất như trên là vô cùng hấp dẫn. Song, ngoại trừ những yếu tố có lợi cho nhà đầu tư và người vay tiền, thì bên đầu tư cũng có những rủi ro nhất định khi tham gia vào những sân chơi này.
Có ý kiến cho rằng, các app Fintech hiện nay có đang huy động vốn trá hình không và ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư?
Đơn cử như ứng dụng Finhay do Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam thành lập năm 2017 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Cập nhật đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của công ty được nâng lên hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ 51% vốn và nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 49% phần vốn còn lại. Finhay giới thiệu đây chỉ là ứng dụng kết nối nhà đầu tư với các kênh tài chính, các kênh này đầu tư, sinh lời và chuyển lợi nhuận cho khách hàng.
Cách thức hoạt động là người dùng chỉ cần nạp từ 50.000 đồng trở lên thông qua app Finhay với lợi nhuận từ 5-17% một năm. Tài sản của Người dùng sẽ được chuyển tới Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 01/TVAM-FINHAY.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Dân Việt, năm 2020 Finhay báo lỗ sau thuế 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 417 tỷ đồng. So với mức lỗ luỹ kế 26,6 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2020, có thể thấy Finhay Việt Nam không chỉ thua lỗ trong năm 2020 và 2019 mà điều này còn diễn ra từ trước đó. Điều này cũng dấy lên những lo ngại khi một doanh nghiệp thua lỗ, thì lấy gì ra bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Rủi ro cho người vay
Lợi dụng sự bùng nổ của Fintech, trên thị trường tài chính còn xuất hiện nhiều app trá hình, không có trụ sở, không có người chịu trách nhiệm pháp lý, cho vay tín chấp nhanh chóng, lãi suất cắt cổ, hoặc đòi hỏi những điều kiện vô lý, thậm chí là lừa đảo người vay.
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin về một vụ việc hy hữu, khi người vay tiền qua app online trá hình mang tên CG Credit, muốn vay 50 triệu đồng, nhưng đã nộp cho các đối tượng lừa đảo số tiền hơn 200 triệu đồng làm phí bảo lãnh, bảo đảm khoản vay,... Sau đó mọi thông tin đều bặt vô âm tín, cơ quan điều tra cũng khó vào cuộc vì không có thông tin đối tượng lừa đảo cụ thể.
Tại các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội, việc này đang xảy ra khá nóng, với nhiều bị hại. Nhưng do số tiền bị lừa thường nhỏ và các bị hại không muốn rắc rối về vấn đề khiếu nại, khiếu kiện, nên mọi chuyện vẫn đang ở mức độ “bàn tán xôn xao”.
Hay sự việc nổi bật gần đây thu hút sự chú ý dư luận đó là, Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện N.T.N. (quê Nghệ An) có hành vi mua, bán và môi giới mại dâm trên địa bàn quận. Đối tượng này khai nhận phải đi bán dâm và môi giới bán dâm để có tiền trả lãi cho Vân Anh. Ngoài số tiền nợ Vân Anh, N. cũng "bốc 12 bát họ" của 2 nhóm đối tượng tên Thuỷ và Tuyến ở khu vực quận Long Biên.
Qua điều tra, cơ quan công an làm rõ các đối tượng yêu cầu khách vay phải có tài sản thế chấp. Tài sản này là ảnh chân dung, chứng minh nhân dân, ảnh giao diện trên Facebook cá nhân. Đặc biệt, các đối tượng yêu cầu khách vay phải "thế chấp" các hình ảnh, video riêng tư nhạy cảm, mang tính chất khiêu dâm. Mục đích sử dụng của các đối tượng này là để khống chế, phòng khi con nợ trốn sẽ gây sức ép, gửi cho người thân, đăng lên mạng xã hội, tạo áp lực để con nợ phải trả tiền.
Lực lượng chức năng xác định, từ đầu tháng 5, vợ chồng Vân Anh đã cho chị N.T.N vay tiền 7 lần với tổng số tiền 163 triệu đồng, lãi suất 10.000-20.000 đồng/triệu mỗi ngày (khoảng 365-730%/năm). Tổng số tiền thu lợi bất chính từ khoản vay này là hơn 131 triệu đồng.
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện thông qua tài khoản cá nhân trên trang web mecash.vn, vợ chồng Vân Anh đã cho gần 1.000 người vay lãi với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là hơn 1,3 tỷ đồng.
Do đó, Công an quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Vân Anh (sinh năm 1992); Bùi Ngọc Thủy (sinh năm 1984) cùng trú tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội; Khương Thị Tuyến (sinh năm 1992) trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP.Hà Nội để điều tra về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Ngoài ra đối tượng Nguyễn Thị Vân Anh còn bị khởi tố thêm tội danh Cưỡng đoạt tài sản.
Công an quận Nam Từ Liêm cho biết: “Đây là thủ đoạn phạm tội mới, lần đầu xuất hiện trên địa bàn. Nạn nhân là những cô gái làm "dịch vụ", cần tiền nhưng không có tài sản để tín chấp. Cơ quan công an sẽ điều tra, ngăn chặn triệt để hành vi biến tướng này”.
Trao đổi trên báo chí, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Việt Nam nêu ra hàng loạt rủi ro của Fintech có thể gây ra cho thị trường tài chính như:
Thứ nhất, Fintech hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số, trên thế giới ảo, xoá nhoà đi ranh giới giữa các ngành nghề khác nhau, thương mại điện tử có thể kết hợp với thanh toán, cho vay tiêu dùng…Trong đó, những câu chuyện xuyên biên giới hay những "gã khổng lồ” công nghệ tiến quân vào Việt Nam, đều gây khó cơ quan quản lý.
Thứ hai, Fintech có thể gây ra tiềm ẩn rủi ro lớn về bất ổn tài chính. Ví dụ lớn đó là sự sụp đổ hàng loạt công ty Fintech cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã đe doạ thị trường tài chính, khiến Chính phủ nước này phải quản lý khắt khe hơn với các Tập đoàn muốn mở rộng thị trường.
Thứ ba, rủi ro trực diện nhất đối với người tiêu dùng tài chính là mất dữ liệu, thông tin người dùng.
Thứ tư, Fintech cũng gây rủi ro cho nhà đầu tư và chính các chủ Fintech khi bỏ vốn nhưng sản phẩm không khẳng định tên tuổi trên thị trường.
Thứ năm, đáng quan ngại lớn về mặt pháp lý, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố do tất cả giao dịch đều thực hiện trên thế giới mạng dẫn tới khó kiểm soát.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 21/10/2021
05:21, 12/10/2021
05:15, 27/09/2021
05:10, 26/09/2021
05:00, 13/09/2021