Ngân hàng Nhà nước đề ra 8 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) cuối năm 2021. Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, CSTT này đã và sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế ra sao?
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt
Theo các chuyên gia, có thể nói, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành CSTT linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống, đồng bộ hóa các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo dõi sát diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước để chuẩn bị phương án điều hành (có tính đến độ trễ chính sách).
Bên cạnh đó, chính sách lãi suất được NHNN điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT tạo điều kiện để giảm lãi suất vay cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong điều kiện áp lực lạm phát còn có khả năng kiểm soát, giữ ổn định lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới…
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nhất là làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã khiến doanh nghiệp điêu đứng, để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN duy trì chào mua giấy tờ có giá để phát tín hiệu hỗ trợ thanh khoản, ổn định thị trường tiền tệ.
Cho đến thời điểm này, trải qua 04 làn sóng dịch bệnh, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp hơn giai đoạn trước dịch COVID (cuối năm 2019, thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào giúp tổ chức tín dụng (TCTD) giảm áp lực chi phí vốn, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. Đến ngày 28/6/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,64% so với cuối năm 2020; đến ngày 30/6/20221, kỳ hạn lãi suất cho vay online tại hệ thống các NHTM là 0,7-1,4%/năm; 1 tuần 1,15-1,6%/năm; 2 tuần 1,3-1,6%/năm; 3 tháng 1,7-1,8%.
Thực tế, ngoài việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các chuyên gia cũng khẳng định nhờ việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN đã giúp cho ổn định lãi suất điều hành, và lãi suất của TCTD giảm so với cuối năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Đến cuối tháng 4/2021, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân VND của các TCTD giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2021.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các TCTD phổ biến ở mức 8-10%/năm.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN khẳng định, NHNN vẫn tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, đồng thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2021.
Đến ngày 14/06/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; (ii) Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/01/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng. Ngoài ra NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.
Thực tế, việc NHNN chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt qua khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19.
Đa dạng các sản phẩm tín dụng hỗ trợ DN
Dưới sự điều hành của NHNN, các TCTD đã đa dạng các sản phẩm tín dụng của TCTD hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp khách hàng bị ảnh hưởng bởi đợt dịch 3, 4.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đặc biệt, nhóm 04 NHTM Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh; Agribank hỗ trợ cho các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng); BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ, lãi suất giảm 1%-1,5% so với kỳ trước; VietinBank giao quyền chủ động cho các Chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay, dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của VietinBank tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng).
Tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp cũng được triển khai mạnh. Theo đó tới cuối tháng 5/2021, tín dụng đối với xuất khẩu tăng 8,1%, chiếm 3,05%; Tín dụng đối với công nghiệp hỗ trợ tăng 7,25%, chiếm 2,53%; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,47%, chiếm 0,39%; Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 4,99% so với cuối năm 2020, chiếm 24,78%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,16%, chiếm 19,44%
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng, khẳng định: Có thể thấy, dù khó khăn song các chính sách điều hành tiền tệ của NHNN vẫn tiếp tục theo hướng yêu cầu và tạo điều kiện cho các TCTD thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN. NHNN đã kịp thời đưa ra các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó từ đầu năm 2021 đến nay có 19 TCTD đã công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch… Nếu các CSTT tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt, sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng ưu thế tiền giá rẻ phục hồi sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
NHNN sẽ tăng cường kiểm soát, hạn chế nợ xấu phát sinh
04:50, 22/06/2021
NHNN sửa đổi, bổ sung quy định xếp hạng tổ chức tín dụng
11:00, 18/06/2021
NHNN ủng hộ tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang phòng, chống dịch bệnh COVID-19
04:30, 03/06/2021
Cán bộ, công chức NHNN Việt Nam ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19
16:50, 31/05/2021