Đánh vào tâm lý muốn sớm lấy lại số tiền đã bị lừa, các đối tượng lừa đảo tung ra chiêu “hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo”. Thậm chí, các đối tượng này còn mạo danh công an, luật sư để tạo niềm tin…
>>Lừa đảo trực tuyến, diễn biến khó lường
Số liệu từ Dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng cho thấy, hiện có 3.271 trang web lừa đảo người dùng Việt Nam. Theo ước tính, cứ trung bình 1 ngày, xuất hiện 10 trang web lừa đảo mới. Trước đó, trong năm 2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Theo các chuyên gia nhận định, con số nạn nhân có thể lớn hơn vì nhiều nạn nhân có tâm lý ngại trình báo, đó là một thực trạng nhức nhối. Thực tế, có không ít nạn nhân sau khi bị lừa lại tìm đến các các dịch vụ “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”.
Mới đây, sau khi bị lừa đảo 100 triệu đồng bởi chiêu trò “làm cộng tác viên bán hàng online”, chị Trần Thị Hiền (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị đã được một chuyên gia hứa giúp thu hồi tiền đã bị lừa. Theo đó, sau khi nhắn tin, chị được kết nối với một tài khoản Facebook khác tự xưng là cán bộ ở cơ quan cảnh sát điều tra nhận lời hỗ trợ. Sau một hồi kiểm tra, vị “cán bộ” này thông báo, số tiền chị Hiền bị lừa đảo đang được rửa tiền qua hình thức cá cược online. Sau đó, người này hướng dẫn chị Hiền vào đường link của web cá cược đó nạp tiền, đặt lệnh để thắng và thu hồi tiền về.
Tuy nhiên, chị Hiền cho biết, lệnh thắng và số tiền thắng hiển thị trên website đều là giả, do kẻ gian tạo ra. “Chúng sẽ tìm mọi cách để nạn nhân không rút được tiền về, tiếp tục nạp tiền vào. Cuối cùng, tôi tiếp tục mắc bẫy lừa đảo lần hai, mất thêm 300 triệu đồng nữa”, chị Hiền chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Trần Thị Linh (tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã mất thêm 76 triệu đồng khi trót tin lời kẻ gian rằng chắc chắn sẽ thu hồi được 300 triệu đồng đã bị lừa khi làm nhiệm vụ kiểm duyệt đơn hàng trước đó.
Theo đó, sau khi click vào bài quảng cáo, chị Linh được một người tự nhận là luật sư nói đã liên kết với các cơ quan cảnh sát, thành lập “ban chuyên gia” hỗ trợ người bị lừa đảo. Người này yêu cầu chị Linh nạp vốn 20 triệu đồng vào một website để thực hiện đặt lệnh với tỉ lệ thắng cao 99%.
Gần 1 ngày đặt lệnh, chị Linh thắng tổng cộng 560 triệu đồng. Đến bước rút tiền, chị Linh được “ban chuyên gia” thông báo thanh toán 10% tức 56 triệu đồng tiền công mới được rút về. Sau khi chuyển khoản 56 triệu đồng cho kẻ gian, chị Linh lại được yêu cầu thanh toán tiếp 10% tiền thuế Nhà nước để hoàn tất lệnh rút tiền.
Lúc này, chị Linh đã cảnh giác hơn nên quyết định không nạp thêm tiền, thấy không thuyết phục chị Linh nạp thêm thêm tiền, ngay lập tức “ban chuyên gia” đã chặn mọi liên lạc.
Phân tích từ các vụ lừa đảo này, các chuyên gia cho biết, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ mạo danh là công an, luật sư, kiểm sát viên,... Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin với nạn nhân. Khi nạn nhân đã tin tưởng tuyệt đối, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán dưới dạng phí xử lý, phí pháp lý, hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác.
>>“Núp bóng” hội thảo, “lừa đảo” người già
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia) khẳng định, không có chuyện dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Khi bị lừa đảo trực tuyến, người dân thay vì lên mạng xã hội kêu cứu, tìm kiếm hỗ trợ từ các dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo thì nên liên hệ với những luật sư uy tín để được hướng dẫn các thủ tục và báo lên cơ quan chức năng.
Theo ông Hiếu, một trong những cách thức mà đối tượng thường xuyên sử dụng đó là tạo một danh tính giả. Cụ thể, kẻ lừa đảo xây dựng một nhân vật xuất hiện có thể tin tưởng và đáng tin cậy. Điều này có thể liên quan đến việc tạo các hồ sơ giả, trang web giả hoặc tài liệu để ủng hộ sự lừa dối. Sau khi nạn nhân tin tưởng vào khả năng của kẻ lừa đảo, chúng sẽ yêu cầu thanh toán phí xử lý, yêu cầu pháp lý hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác như khắc phục một sự cố không tồn tại... Trong khi, các công ty hỗ trợ công nghệ hợp pháp sẽ không yêu cầu thanh toán dưới dạng thẻ quà tặng, chuyển khoản ngân hàng, ứng dụng chuyển tiền hoặc tiền mã hóa…
Thông thường, để dẫn dụ nạn nhân của các vụ lừa đảo mạng, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển trước một số tiền nhất định. Ví dụ bị lừa 100 triệu đồng thì cần phải gửi từ 10-20% của số tiền, tức là 10-20 triệu đồng. Nhiều người đã nhẹ dạ cả tin và bị lừa tiếp lần hai. Sau khi chuyển tiền xong, các đối tượng sẽ lập tức khóa chặn liên lạc với nạn nhân.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi các đối tượng đã chủ định lừa nạn nhân qua mạng, qua điện thoại là có chủ định ngay từ ban đầu nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, khó nhận ra. Các đối tượng sẽ không bao giờ tự nguyện hoàn trả lại tiền cho nạn nhân và càng không có chuyện chịu đàm phán, thương lượng. Thông tin mà các đối tượng cho bạn biết đều là giả mạo, gian dối và rất khó có thể liên hệ, tìm được các đối tượng này.
Vì thế, trường hợp này nạn nhân chỉ có cách duy nhất là trình báo cơ quan chức năng, sau này sẽ được giải quyết theo quy trình tố tụng và nạn nhân được coi là bị hại. Quá trình giải quyết, các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xác minh, thu giữ số tiền vi phạm, hoặc các đối tượng khắc phục hậu quả. Trường hợp này các nạn nhân sẽ có cơ hội hoàn trả tiền theo bản án có hiệu lực của Tòa án và thi thành án.
Hiện nay, có rất nhiều đối tượng lợi dụng sự sốt ruột muốn sớm lấy lại tiền của nạn nhân để tiếp tục lừa bằng thủ đoạn nộp thêm tiền phí để các đối tượng này sử dụng các biện pháp can thiệp, tác động vào hệ thống để lấy lại tiền. Các đối tượng đưa ra rất nhiều thủ đoạn hứa hẹn, đánh vào tâm lý muốn lấy lại tiền và chấp nhận bỏ ra trước một ít tiền.
“Đây lại tiếp tục là thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng. Để tạo niềm tin, các đối tượng giả danh người có uy tín như luật sư, cơ quan nhà nước thậm chí lấy cả hình ảnh, thông tin người có uy tín để lừa đảo”, luật sư Hùng nói.
Có thể bạn quan tâm