Nhiều thập niên qua, mỗi dịp đến ngày thương binh liệt sỹ (27/7), người doanh nhân ấy lại đau đáu về người thân mình đã có công với cách mạng nhưng bị đấu tố oan sai nay vẫn chưa được giải quyết.
Cũng từng đó thời gian, doanh nhân Hoàng Văn Ngoạn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vilaconic và anh trai là Bác sỹ Hoàng Minh Châu đã mất không ít thời gian lần mò các mảnh ghép về nhân chứng - sự kiện, tỷ mẩn chắp nối thông tin về người ông chú ruột của mình là Hoàng Văn Cúc (SN 1910) nguyên quán xã Hồng Sơn, Đô Lương, Nghệ An đã bị đưa ra đấu tố, xử bắn oan trong cải cách ruộng đất năm 1956 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền sửa sai, công nhận.
Người dựng cờ khởi nghĩa ở Tiên Nông
Theo cứ liệu được ghi trong cuốn lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Hồng Sơn (1930-2013) do Nhà xuất bản Lao động – xã hội ấn hành, chúng tôi thấy hiện lên nhân vật Hoàng Văn Cúc dày đặc ở thời kỳ tiền khởi nghĩa với nhiều vai trò khác nhau trong cuộc đời hoạt động cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, đây là nhân vật được sử sách và các tài liệu liên quan ghi nhận có công đóng góp rất lớn trong phong trào tiền khởi nghĩa cũng như xây dựng tổ chức Đảng tại địa phương từ tên làng khai sinh Tiên Nông cho đến Hồng Sơn ngày nay.
Nhắc lại quá khứ, giai đoạn năm 1930-1931, để gây dựng chi bộ Đảng hoạt động bí mật, ông Hoàng Văn Cúc đã bắt liên lạc với Đào Văn Uân (Thơn) và đồng chí Lê Khắc Cơ (Mai Cơ) ở Bạch Ngọc (nay là xã Bồi Sơn), huyện Đô Lương. Tiếp đó, từ hạt nhân cách mạng ở Tiên Nông, ông Hoàng Văn Cúc đã gây dựng, nhân rộng tổ chức Đảng hoạt động tại địa phuơng mình với tổ chức cấp trên.
Thời kỳ này, với vai trò là tổ trưởng tổ Đảng, đồng chí Hoàng Văn Cúc đã cùng với tổ chức của mình tích cực vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân xây dựng Nông Hội đỏ, Thanh niên Xích sắt, Phụ nữ giải phóng làm nòng cốt cho các cuộc biểu tình , rải truyền đơn…tại những nơi quan trọng của thực dân Pháp chiếm đóng.
Từ tháng 8/1930, nhân dân Tiên Nông nòng cốt là nông dân, thanh niên, phụ nữ cùng với các thôn Yên Lương, Trung Hậu, Đồng Xuân, Tràng Ná (Giang Sơn), làng Rào (huyện Tân Kỳ), Tràng Kiều (Thịnh Thành, Yên Thành) đã kéo đến nhà lý trưởng ở Năn Mới là Cửu Vợi đấu tranh phá kho thóc chia cho dân nghèo.
Tiếp đó, từ năm 1931-1932, thực dân Pháp đã bố trí lực lượng truy lùng, đàn áp phong trào cách mạng ở Tiên Nông khiến ông Đào Văn Uân bị bắt và tù đày, ông Bùi Văn Du ở Tràng Kiều bị bắn chết ở Yên Mỹ (Bài Sơn) - sau này được công nhân là Liệt sỹ, quy tập phần mộ về xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Đến cuối năm 1934, sau khi ra tù, ông Đào Văn Uân lại được tổ chức phân công, tiếp tục vào Tiên Nông bắt liên lạc với ông Hoàng Văn Cúc để gây dựng, khôi phục lại phong trào cách mạng.
Cũng trong giai đoạn 1932-1939, để tạo vỏ bọc và chỗ dựa an toàn cho phong trào cách mạng, tổ chức Đảng đã “cài cắm” đồng chí Hoàng Văn Cúc ra tranh cử trúng chức Lý trưởng của Tiên Nông để bí mật hoạt động.
Sau này, để chuẩn bị tốt cho tổng khởi nghĩa dành chính quyền tháng 8/1945, ông Hoàng Văn Cúc đã dành nhà thờ họ Hoàng của mình làm nơi đặt Tổ ấn loát in truyền đơn cho tổ chức cách mạng và vận động người thân gia đình tăng gia sản xuất, nuôi ăn, che chở các đồng chí cách mạng ở trong nhà suốt 3 tháng ròng rã.
Rồi tiếp đó, đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, khuôn viên nhà thờ họ Hoàng của ông Hoàng Văn Cúc lại trở thành xưởng đúc vũ khí (Xưởng Đội Quyên) chủ yếu sản xuất thuốc nổ và lựu đạn được chuyển từ Quảng Trị ra mãi đến tháng 3/1949 mới chuyển ra Thanh Hoá.
Oan sai kéo dài hơn nửa thế kỷ chưa được giải quyết
Bây giờ, đã 65 năm trôi qua kể từ thời điểm ông chú ruột của mình là Hoàng Văn Cúc bị đưa ra đấu tố, xử bắn chỉ vì liên quan đến thành phần cường hào, lý trưởng, doanh nhân Hoàng Văn Ngoạn và bác sỹ Hoàng Minh Châu cùng gia đình vẫn còn day dứt, đớn đau với nỗi oan sai chưa được cấp có thẩm quyền công nhận.
Mặc dù, bản thân anh và những người thân trong gia đình, dòng tộc đã nhiều lần cung cấp hồ sơ, nhân chứng liên quan để đệ trình lên các cấp xem xét, giải quyết chính sách gia đình có công với cách mạng đối với người quá cố là Hoàng Văn Cúc mấy chục năm nay nhưng chỉ nhận được sự im lặng trong vô vọng.
Đến nay, nhiều người từng kề vai, sát cánh hoạt động suốt cuộc đời cách mạng với đồng chí Hoàng Văn Cúc đã về cõi vĩnh hằng nhưng khi còn sống, họ đã để lại tàng thư, bút tích đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, công nhận công trạng cho đồng đội nay gia đình vẫn còn lưu trữ.
“Trong cao trào cách mạng 1930-1931, ông Du (tức Bùi Văn Du – Liệt sỹ) tham gia hoạt động cách mạng trong các xã thuộc Tổng Văn Hội cũ. Và lân cận như xã Văn Du (Quang Thành + Thịnh Thành) xã Hồng Sơn, Bài Sơn, Hoà Sơn-Bồi Sơn thuộc huyện Đô Lương – Nghệ An.
Nghe các đồng chí cán bộ lão thành và nhân dân 2 xã kể lại trước đây Hồng Sơn và Thịnh Thành là 2 xã giáp ranh nên khi hoạt động ông Bùi Văn Du có hoạt động với ông Hoàng Văn Cúc (tức Đồng).
Ông Bùi Văn Du bị bắn chết tại xã Bài Sơn – Đô Lương. Hài cốt của ông được đưa Đảng bộ và nhân dân Thịnh Thành đưa về mai táng tại xã nhà – ông Du được công nhận là Liệt sỹ.
Nay chúng tôi xác nhận theo lịch sử xã Thịnh Thành, do các đồng chí cán bộ lão thành kể lại” – ông Phan Bá Tứ, Bí thư Đảng uỷ xã Thịnh Thành ghi trong giấy xác nhận vào ngày 08/11/1997. Và, đây chỉ mới là một trong những lời chứng cũng như bút lục mà gia đình ông Hoàng Văn Cúc còn lưu trữ được chúng tôi trích dẫn lại.
Tiếp đó, sau khi gia đình tập hợp hồ sơ, lời chứng liên quan gửi đơn đề nghị về việc công nhận liệt sỹ đối với ông Hoàng Văn Cúc bị xử bắn oan trong cải cách ruộng đất, ngày 26/6/2000, Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản số 2045 gửi ông Hoàng Văn Đồng (con trai ông Cúc) nay đã mất ở xóm 4, xã Hồng Sơn, Đô Lương, Nghệ An trả lời là sẽ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, các cơ quan chức năng có liên quan để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Vào ngày 19/10/2000, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An cũng có phiếu trả lời đơn thư gửi gia đình thân nhân ông Hoàng Văn Cúc trả lời rằng đơn đã được chuyển đến Huyện uỷ Đô Lương để yêu cầu trả lời.
Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, gia đình thân nhân ông Hoàng Văn Cúc vẫn không nhận được bất kỳ hồi âm nào của các cơ quan có thẩm quyền, sự việc hơn 20 năm nay rơi vào quên lãng.
Đây cũng là nỗi đau cắn rứt của gia đình và dòng tộc về cái chết oan sai của ông Hoàng Văn Cúc và công trạng suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của vị lão thành cách mạng ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Trình Chủ tịch nước tặng quà ngày Thương binh – Liệt sĩ cho người có công
20:00, 31/05/2021
Giám đốc xí nghiệp thương binh Quang Minh Trần Hồng Quảng: “Đánh lớn” trên “mặt trận” kinh tế
02:00, 30/04/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng
20:30, 24/07/2021