Nơi nào có hiện tượng Nhà nước "mua đắt, bán rẻ" các tài sản thì ở đó có dấu hiệu tham nhũng lớn

Thy Hằng 04/11/2019 13:05

Dẫn lời cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, trong lĩnh vực cổ phần hóa nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn.

Thảo luận tại Nghị trường, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, cho biết, một số vụ án gần đây, cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, hay nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh, như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu đô la Mỹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực,

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Tham nhũng vặt trên nhều lĩnh vực

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị can trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy”, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Đại biểu cũng nêu thực tế còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ, nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hoặc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Phải nói rằng việc chứng minh này rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi, việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang, mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó nhưng không phải là không làm được”, Đại biểu Hoa nhận định.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.

Đáng lưu ý, trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…

“Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng: “Cần khắc phục hiện tượng tham nhũng trong DNNN, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau”

    12:09, 16/10/2019

  • Chống tham nhũng: Có phe phái hay không, cứ để nhân dân đánh giá

    05:00, 13/10/2019

  • Ông Võ Văn Thưởng: Chống tham nhũng là không có vùng cấm

    11:52, 01/10/2019

Xác định trách nhiệm Bộ trưởng, trưởng ngành

“Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế”, Ủy ban Tư pháp kiến nghị.

Theo đó, Ủy ban Tư pháp kiến nghị khá cụ thể đối với từng loại hình tham nhũng. Ví như, đối với tham nhũng vặt, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng này là nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để đưa ra giải pháp phòng, chống phù hợp.

Đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng tham nhũng vặt thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng, chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới.

Đối với tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an... cần đánh giá thực trạng tình hình và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nơi nào có hiện tượng Nhà nước "mua đắt, bán rẻ" các tài sản thì ở đó có dấu hiệu tham nhũng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO