Nông sản là lợi thế hợp tác với EU

ĐỨC HẠNH thực hiện 03/08/2022 11:53

Diễn đàn kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU do VCCI phối hợp với Ủy ban châu Âu, Bộ NN&PTNT Việt Nam, Phái đoàn EU tại Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam tổ chức.

>>Xuất khẩu nông sản sang EU tăng mạnh

Bên lề Diễn đàn kinh doanh nông nghiệp Việt Nam – EU, chia sẻ với DĐDN ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là cơ hội lớn để nông nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh với đối tác Châu Âu.

- Ông đánh giá như thế nào về dư địa hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Việt Nam - EU?

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu tăng rất nhanh, từ trên 4,5 tỷ USD năm 2020 lên 5,2 tỷ USD năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,26 tỷ USD, tăng gấp 26% so với cùng kỳ.

Châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn các nông sản chủ lực của Việt Nam như hồ tiêu, thuỷ sản, hạt điều, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU các mặt hàng như vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Các mặt hàng xuất khẩu của hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh nhau.

Hai bên còn nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại nông sản. Việt Nam có nền nông nghiệp với 7 vùng sinh thái. Với nhiều lợi thế so sánh trong sản xuất nông sản, Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, số dự án FDI của EU đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam còn khá khiêm tốn với 44 dự án có vốn đăng ký là trên 200 triệu USD.

- Việt Nam cần có cú hích mới để hàng hoá nông sản tiếp cận nhiều hơn với thị trường EU, thưa Thứ trưởng?

Đoàn doanh nghiệp châu Âu gồm 50 đại diện cấp cao đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam ở các lĩnh vực hai bên cùng có thế mạnh. Đoàn cũng đi thực địa, tìm hiểu công việc của người nông dân Việt Nam, các vùng nguyên liệu, quá trình sơ chế, chế biến, truy xuất nguồn gốc, thương mại hoá sản phẩm ở thị trường châu Âu, nhất là các nông sản hữu cơ ngày càng nhiều tại Việt Nam. “Trăm nghe không bằng một thấy”, chuyến làm việc trực tiếp tại Việt Nam từ khi EVFTA có hiệu lực tạo nền tảng cho thời kỳ phát triển mới, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.

>>Tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu

Nông nghiệp Việt Nam đang xây dựng hình ảnh minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang tích cực tham gia vào chuỗi lương thực toàn cầu. EU là thị trường Việt Nam mong muốn mở rộng xuất khẩu thêm sản phẩm nông sản.

- Tuy nhiên, EU cũng là thị trường “khó tính”, đòi hỏi nông sản chất lượng cao, thưa ông?

Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với nhiều ưu đãi về thuế quan, nhiều doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam đã kịp thời bắt nhịp với công nghệ thế giới có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

Tuy nhiên trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát từng mặt hàng cụ thể, theo dõi sát diễn biến thị trường gắn với tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp để tiếp tục nắm bắt cơ hội. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT thúc đẩy hợp tác với EU tạo thuận lợi cho thương mại hai bên. Đặc biệt, vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ quốc tế, hạn chế rào cản thương mại mới không đủ cơ sở khoa học để thúc đẩy thương mại nông lâm thuỷ sản, tăng cường lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, chúng ta sẽ phải làm gì để thu hút hợp tác lĩnh vực nông nghiệp, thưa ông?

Chúng ta cần có định hướng thu hút các dự án FDI vào nông nghiệp. Các lĩnh vực cần tập trung phát triển là nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ. Đặc biệt công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ lõi.

Một số nội dung hợp tác rất quan trọng như đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn. Tập trung thu hút đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp.

Trên cơ sở tận dụng tốt nhất các ưu thế của nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp hai bên tạo ra những giá trị mới, phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp, khai thác tốt nhất thị trường khu vực và toàn cầu. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp EU có thể đầu tư thành công, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm tỷ lệ 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản vào EU trong năm 2021.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nông sản là lợi thế hợp tác với EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO