EVFTA mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt, tuy nhiên để gia tăng sản lượng lớn vào EU, Chính phủ cần có chính sách giúp người nông cải cách mọi "quy trình" chăm sóc và chế biến.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), EU là thị trường quan trọng của nông nghiệp Việt Nam và đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu nói EVFTA là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang EU là có căn cứ nhưng nếu nói EU là thị trường hấp dẫn với nông sản Việt Nam thì có phần chưa thực tế.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA).
- Thưa ông, EVFTA được đánh giá là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam sang EU. Vậy theo ông những mặt hàng nông sản nào được hưởng lợi?
Tôi cho rằng, trong ngắn hạn thì cơ hội vẫn thuộc về những nông sản có thế mạnh lâu năm của Việt Nam đã thâm nhập được thị trường này như: thủy hải sản, cà phê, hạt điều và đồ gỗ (tổng kim ngạch xuất khẩu của 04 nhóm mặt hàng này đạt 3,35 tỷ USD. Trong đó thuế suất các mặt hàng cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau củ tươi và chế biến… đã được đưa về 0% kể từ ngày 01/8/2020 khi EVFTA có hiệu lực. Đặc biệt ngành hàng trái cây như bưởi, xoài, dừa, vải của Việt Nam sẽ có bước phát triển mới khi tiếp cận thị trường này.
- Trước những cơ hội của EU, liệu mặt hàng nông sản Việt Nam có tăng mạnh sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới?
Theo kết quả khảo sát từ các thành viên từ Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), việc EVFTA được ký kết sẽ mở ra cánh cửa lớn với nông sản Việt Nam sang EU, trong đó phải kể đến những ông lớn trong ngành nông nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng và mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này như: Tập đoàn Thaco, Vingroup, Hồ Gươm…
Đặc biệt việc tận dụng cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ thúc đẩy gia tăng sản lượng nông sản Việt Nam sang EU và ước tính sẽ tăng trưởng khoảng 15-20%/năm và có thể đạt 25% nếu tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu trong năm 2020. Vì hầu hết các doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu xuất khẩu là cái đích cuối cùng trong chặng đường phát triển.
- Với những ưu đãi từ Hiệp định nhưng EU là thị trường khó tính, theo ông doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp những rào cản nào từ hàng rào kỹ thuật?
EU là thị trường tiềm năng, tuy nhiên các tiêu chí đưa ra với các mặt hàng nhập khẩu lại vô cùng chặt chẽ, như đảm bảo tính minh bạch trong suốt các quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản... Doanh nghiệp muốn tiếp cận một cách hiệu quả thị trường này phải đạt được các yêu cầu sau:
Thứ nhất về tiêu chuẩn chất lượng, nông sản Việt Nam phải sản xuất an toàn theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) là yêu cầu bắt buộc.
Người nông dân cần phải liên kết với doanh nghiệp hình thành các vùng trồng có diện tích lớn, áp dụng phương thức trồng trọt an toàn theo các quy chuẩn như VietGAP, Global GAP, như vậy mới đảm bảo số lượng và chất lượng để sang EU. Tiếp theo khi sản xuất sạch theo các quy chuẩn thì tỷ lệ rau quả cũng phải đạt yêu cầu về mẫu mã, hình thức.
Đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 thì người tiêu dùng EU có xu hướng hạn chế các sản phẩm xa xỉ, ưu tiên chi tiêu những thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Nhưng họ lại có xu hướng ưu tiên sử dụng các nông sản xuất xứ EU để đảm bảo chất lượng. Do đó nông sản, xuất sang EU bắt buộc phải đạt các tiêu chí về: An toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ...được tuân thủ ở mức cao nhất.
Thứ hai về tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp, nhà nhập khẩu EU không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà họ còn quan tâm đến việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, người lao động được đảm bảo quyền lợi ra sao trong môi trường sản xuất.
Thứ ba về phát triển bền vững và an sinh, nhà nhập khẩu sẽ quan tâm doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ra sao? Sử dụng tài nguyên bền vững thế nào? Đơn cử như sản phẩm gỗ, họ sẽ quan tâm đến nguồn gốc của lâm sản, việc đạt chứng nhận FSC là điều chắc chắn khi sản phẩm đồ gỗ muốn vào thị trường này.
- Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam được lợi gì với những mặt hàng nông sản từ các nước EU, thưa ông?
Chính phủ đã rất cẩn thận khi tính đến độ “shock” của thị trường khi nhóm hàng nông sản chất lượng cao của EU đổ về Việt Nam. Một sự mở cửa hạn chế đối với các nông sản thế mạnh của EU, đặc biệt là các sản phẩm đông lạnh như bò, lợn, gà đông lạnh xuất xứ EU thì sẽ mất 6-8 năm để dòng thuế về 0%. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thời gian để thích nghi nhưng áp lực lại rất lớn.
Đơn cử như thị trường thịt heo hiện nay đang ở mức giá kỷ lục, tính đến cuối tháng 5 năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 67.638 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt lợn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019. Giá lợn đông lạnh xuất xứ EU hiện đang có giá rất cạnh tranh so với sản phẩm trong nước, thời gian tới khi các dòng thuế về 0% và không duy trì biện pháp hạn ngạch thì ngành chăn nuôi nước nhà sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Đây cũng là thách thức cạnh tranh để Việt Nam tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Trước những cơ hội và thách thức trên, tôi cho rằng để có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa nông sản Việt tới được các thị trường lớn thì Chính phủ cần phải có chính sách quan tâm hơn nữa tới ngành nông nghiệp. Cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người nông cải tiến mọi "quy trình" canh tác và chăm sóc.
Đồng thời cần quản lý sát sao, thậm chí cấm lưu hành sản phẩm hoá chất thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích sử dụng sản phẩm hữu cơ để chăm bón. Đặc biệt là có các chương trình đào tạo, khuyến khích người nông dân trồng trọt theo phương pháp công nghệ, kỹ thuật mới.
Có thể bạn quan tâm
Nông sản vào EU còn rào cản
16:00, 31/07/2020
"Đường cao tốc" đưa nông sản Việt đến châu Âu
11:35, 30/07/2020
Xuất khẩu nông sản vào EU: Cơ hội không dễ nắm bắt!
05:30, 29/07/2020
Hiệp định EVFTA: "Cơ hội vàng" cho nông sản Việt
02:00, 25/07/2020