Nóng: Thủ tướng Malaysia tuyên bố từ chức

CẨM ANH 16/08/2021 16:38

Việc Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassi từ chức làm dấy lên lo ngại về tình hình quốc gia này khi dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát nặng nề.

Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố từ chức

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassi đã tuyên bố từ chức

Trong tuyên bố trực tiếp trên truyền hình chiều 16/8, ông Muhyiddin cho biết đã từ chức vì không còn sự ủng hộ đa số trong Hạ viện Malaysia. Ông cũng bày tỏ hy vọng đất nước sẽ có Thủ tướng mới càng sớm càng tốt và tuyên bố sẽ không hợp tác với "những kẻ phá hoại đất nước". 

Với 17 tháng đương nhiệm, ông Muhyiddin trở thành vị Thủ tướng có thời gian nắm quyền ngắn nhất trong lịch sử Malaysia. Toàn bộ quan chức cấp bộ trưởng cùng Thủ tướng Muhyiddin đã nộp đơn từ chức lên Quốc vương Al-Sultan Abdullah. Ngay lập tức, Hoàng gia Malaysia xác nhận việc từ chức của ông Muhyiddin và các quan chức đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, để đảm bảo ít có sự xáo trộn nhất, Quốc vương Al-Sultan Abdullah đã chỉ định ông Muhyiddin làm Thủ tướng tạm quyền cho đến khi có thủ tướng chính thức mới. Trước mắt, do không có đảng nào hiện nắm đủ thế đa số để tuyên bố thành lập chính phủ, các ứng viên tranh cử tại Malaysia sẽ tiến hành triển khai vận động hành lang và đàm phán, "đi đêm" giữa các đảng nhằm tập hợp đủ số ghế cần thiết.

Vào tháng 2 năm ngoái, liên minh Pakatan Harapan do Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo đã bị lật đổ bởi liên minh Perikatan Nasional của ông Muhyiddin. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đảo chính nội bộ gây sốc và thời gian hỗn loạn chính trị kéo dài sau đó đã dẫn đến việc thực thi chính sách của chính phủ không tốt, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều ngành công nghiệp của đất nước.

Sau khi lên nắm quyền, nội các của ông Muhyiddin tiếp tục đối mặt với sự bất ổn do những hoài nghi về tính hợp pháp. Bên cạnh đó, ông Muhyiddin cũng thường xuyên bị lãnh đạo đối lập thách thức. Thêm vào đó, việc không thể kiểm soát được COVID-19 mặc dù đã tiến hành các biện pháp phong tỏa chặt chẽ cũng khiến chính quyền của ông bị chỉ trích nặng nề.

Gần đây, một nhóm nghị sĩ rút lại sự ủng hộ đối với ông Muhyiddin, qua đó khiến liên minh của ông không còn chiếm đa số trong nghị viện. Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah cũng quay lưng với vị Thủ tướng.

Trước mắt, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, Malaysia khó có thể tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Tờ báo của Singapore chỉ ra đợt bầu cử ở bang Sabah đã làm bùng phát dịch và đến nay vẫn chưa thể dập tắt.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những ứng viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Malaysia gồm có Phó Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob và thủ lĩnh liên minh đối lập Pakatan Harapan, ông Anwar Ibrahim.

Sự bất ổn chính trị dường như có thể xảy ra của Malaysia đã trở thành yếu tố chính làm giảm niềm tin vào thị trường chứng khoán địa phương. Ảnh: AP

Sự bất ổn chính trị đã trở thành yếu tố chính làm giảm niềm tin vào thị trường chứng khoán Malaysia. Ảnh: AP

Có thể thấy, sự bất ổn chính trị cùng với dịch bệnh bùng phát đã trở thành yếu tố chính làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã rời bỏ Malaysia. Đồng ringgit và thị trường chứng khoán Malaysia đã lao dốc trong phiên giao dịch sáng 16/8. Điều này cho thấy sự lo ngại của giới đầu tư trước việc chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm ông Muhyiddin.

Theo Yeah Kim Leng, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Sunway nhận định, việc bán tháo có thể xảy ra trong khi chờ đợi Thủ tướng mới và liên minh được thành lập. Sự không chắc chắn về việc ai sẽ nhậm chức dẫn đến sự mơ hồ  về các chính sách của chính phủ, nhất là trong bối cảnh đại dịch. 

Báo cáo PublicInvest cho biết thêm rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 5,3 tỷ ringgit (tương đương 1,25 tỷ USD) cổ phiếu tích lũy trong 7 tháng đầu năm nay, mặc dù họ tiến hành đầu tư một cách tương đối thận trọng. Thậm chí, trước khi đại dịch COViD-19 bùng phát mạnh mẽ,  Malaysia đã chứng kiến sự bán tháo của các nhà đầu tư nước ngoài khi bất đồng chính trị nổ ra tại quốc gia này.

Thêm vào đó, các nhà quản lý quỹ đang cảnh báo rằng Malaysia sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc bắt kịp khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại nếu chưa có Chính phủ mới. 

"Ngay lúc này, Malaysia cần đưa ra một giải pháp nhanh chóng để mang lại sự ổn định chính trị và tái tập trung vào việc ngăn chặn đại dịch cũng như xây dựng lại nền kinh tế. Nếu tình hình ổn định nhanh, thị trường chứng khoán có thể sẽ phục hồi cao hơn", chuyên gia này cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia sắp có startup “kỳ lân”

    Lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia sắp có startup “kỳ lân”

    04:23, 21/06/2021

  • “Liều thuốc” thử phản ứng của Malaysia trong vấn đề Biển Đông

    “Liều thuốc” thử phản ứng của Malaysia trong vấn đề Biển Đông

    05:18, 11/06/2021

  • Áp thuế 10,2% với thép hình chữ H xuất xứ Malaysia

    Áp thuế 10,2% với thép hình chữ H xuất xứ Malaysia

    16:16, 07/04/2021

  • Thép Malaysia bị áp thuế chống bán phá giá tại Việt Nam

    Thép Malaysia bị áp thuế chống bán phá giá tại Việt Nam

    14:56, 07/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nóng: Thủ tướng Malaysia tuyên bố từ chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO