Những bất ổn mới có thể sản sinh trong nay mai và “địa bàn” của nó lại là những nước nhỏ, nhất là ở Châu Phi, tương lai bất công bằng nới rộng là nhãn tiền.
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐLHQ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra một vài vấn đề có tính thời đại. Một trong những vấn đề đó là “Tiếng nói của một nước nhỏ cần được tôn trọng, lắng nghe chia sẻ…”.
Lời đề nghị của Thủ tướng phần nào phản ánh thực trạng thế giới mới đầy phức tạp trong gần 2 thập gần đây. Hòa bình thịnh vượng luôn là ước vọng của nhân loại tiến bộ, nhất là những nước nhỏ, thế giới thứ ba.
Thế giới trở nên “đa cực” sau chiến tranh lạnh nhưng không nằm ngoài sự bao trùm của một vài cường quốc. Sự lớn mạnh ở những quốc gia tiên phong lấy đi cơ hội ở những nước kém phát triển.
Cường quốc số 1 thế giới- nước Mỹ bắt đầu thay đổi cách nhìn về một thế giới mới, bắt đầu bằng lý do, Tổng thống Trump cho rằng “chúng tôi không muốn để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa”.
Nếu thế kỷ trước, nhân loại chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản gây ra tổn thất về người và của trên hành tinh, đó là những cuộc xâm lược thuộc địa để tìm kiếm thị trường mới, nguyên nhiên liệu mới. Dưới góc độ khác, đó cũng là những cuộc “xâm lược thương mại” được hậu thuẫn bằng súng ống.
Hậu quả để lại rất lớn, làm cho những nước yếu càng trở nên khó khăn trong thế kỷ 21 - thế kỷ của kinh tế tri thức và bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Quốc gia giàu nhất “lục địa đen” là Nam Phi có tổng thu nhập quốc dân gần 600 tỷ USD, trong khi đó nước giàu nhất châu Âu là Đức, đạt đến ngưỡng 3,5 nghìn tỷ USD. Top 10 quốc gia giàu nhất châu Phi có tổng sản lượng GDP mới bằng nước Đức!
Khoảng cách về kinh tế tất yếu nảy sinh bất bình đẳng về tiếng nói giữa các quốc gia. Cho đến nay 5 thành viên quyền lực nhất của Hội đồng bảo an LHQ vẫn được xác lập từ khi tổ chức này ra đời.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 24/09/2018
04:01, 22/09/2018
08:39, 28/09/2018
04:30, 27/09/2018
12:01, 20/08/2018
Nhóm 20 nước có nền kinh tế lớn nhất (G20) nắm hầu hết những lợi thế về thương mại, ngoại giao, quân sự. Khoảng cách của họ với các nước nhỏ ngày một xa hơn.
Hoa Kỳ là quốc gia thường xuyên thể hiện sức mạnh bất bình đẳng trên toàn cầu, là nước “có mặt” hầu hết các cuộc chiến tranh lớn nhỏ kể từ thế kỳ 18 đến nay. Sau làn sóng giải phóng dân tộc ở châu Á, Phi, Mỹ Latin chấm dứt “thuộc địa kiểu cũ”, Hoa Kỳ vẫn duy trì xung đột quân sự bằng những cuộc cách mạng màu ở Trung Đông - Tây Á.
Thế giới Ả rập bị chia năm xẻ bảy, nhiều nước rơi vào nội chiến và khủng hoảng nhân đạo như Syria, Afganistan, Lybia, Ai Cập; nhiều nước ở châu Á bị bỏ lại phía sau.
Tụt hậu về kinh tế dẫn đến hiệu lực tiếng nói trên trường quốc tế giảm trọng lượng, buộc phải chấp nhận luật chơi do các nước lớn đặt ra. Mắc kẹt trong dòng vốn FDI đổ về từ các nước lớn, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên trong khi ưu thế công nghệ không được chuyển giao hoàn toàn.
Sự bất bình đẵng còn có nguy cơ hiển hiện dưới chính sách của các cường quốc, nhiều năm gần đây dấy lên lo ngại sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh.
Từ năm 2016, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Arab với 32% (gần 30 tỷ USD) đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Đông, tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Trong 10 năm qua trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Trung Đông tăng lên 10 lần, đạt con số 320 tỷ USD. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi với kim ngạch thương mại lên đến 220 tỷ USD.
Nhưng vấn đề là trong tương lai, các nước châu Phi thật sự rộng mở bằng đồng vốn của Bắc Kinh? Liệu đây có phải là một hình thức “ngoại giao bẫy nợ”? Còn quá sớm để khẳng định điều đó nhưng những biểu hiện ở một vài quốc gia cho thấy nguy cơ đó không phải không có khả năng.
Ngoài Sri Lanka, Maldives đang dính vào những khoản nợ với Trung Quốc thông qua các dự án hạ tầng, một cây cầu được xây dựng bằng 100% vốn đi vay từ “người khổng lồ” khiến nợ công của đất nước được mệnh danh “thiên đường du lịch” tăng lên 100%.
Theo các học giả thuộc Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi tại Đại học Johns Hopkins, nguyên nhân dẫn tới thực trạng nợ nần tại châu Phi không chỉ xuất phát từ các khoản vay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn là chủ nợ chính của nhiều quốc gia tại châu lục này, trong đó phải kể tới Djibouti khi Trung Quốc nắm tới 77% tổng nợ của nước này tính đến cuối năm 2016 hay Zambia - quốc gia vay mượn ít nhất 6,4 tỷ USD từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Trung Quốc có tiềm năng giải quyết khoảng cách về cơ sở hạ tầng ở châu Phi, nhưng cách tiếp cận của nước này không tạo ra công việc mà chỉ dẫn đến tình trạng nợ nần ở hầu hết các quốc gia.
Những bất ổn mới có thể sản sinh trong nay mai và “địa bàn” của nó lại là những nước nhỏ, nhất là ở Châu Phi, tương lai bất công bằng nới rộng là nhãn tiền.
Trong khi nhân loại rốt ráo với cách mạng 4.0 thì ở châu Phi hàng triệu người thiếu đói, các giá trị nhân văn sụp đổ ở nhiều nơi dưới ảnh hưởng của cường quốc. Điều đó một lần nữa đặt ra yêu cầu cần làm gì để nâng cao tiếng nói của các nước nhỏ!
Kỳ II: Các “nước nhỏ” cần làm gì?