Tỷ lệ nội địa hóa các mẫu xe điện của VinFast hiện đã đạt trên 60%, sẽ tăng lên 84% sau 2 năm nữa.
Trong khuôn khổ tọa đàm nội địa hóa ô tô mới đây, Công ty VinFast cho biết, tỷ lệ nội địa hóa các mẫu xe điện của hãng đã đạt trên 60%. Cụ thể, toàn bộ thân vỏ xe ô tô, dây điện, các chi tiết nhựa, giảm sóc và một phần của động cơ xe, linh kiện điện tử được sản xuất tại Nhà máy VinFast Hải phòng và từ các nhà cung cấp trong nước.
Các dây chuyền dập chi tiết thân xe, hàn và sơn đã tạo ra được khung ô tô hoàn chỉnh từ thép tấm. Dây chuyền động cơ đã đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% với các linh kiện sản xuất được gồm vỏ động cơ, stator, một phần của rotor. Các linh kiện khác như ghế ngồi, các chi tiết nhựa, giảm sóc cũng được sản xuất tại chỗ.
Các dây chuyền sản xuất có mức độ tự động hóa lên tới trên 90% với hơn 1.200 robot, được cung cấp bởi những hãng nổi tiếng trên thế giới của Đức, Áo, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc…
VinFast cho biết phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa của hãng tương đồng với cách tính của Bộ Công thương và các hãng xe khác tại Việt Nam. VinFast xác định không đi theo con đường lắp ráp thông thường mà trở thành một nhà sản xuất ô tô thực thụ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện. Tại tổ hợp nhà máy VinFast Hải Phòng với diện tích 335 ha, có hơn 30% được dành để phát triển khu công nghiệp phụ trợ.
Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Nhà máy VinFast Việt Nam cho biết, công ty đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các mẫu xe điện lên 84% vào năm 2026. Để có thể đạt 84% nội địa hóa, VinFast lên kế hoạch sản xuất và cung ứng trong nước các chi tiết như: ghế ngồi, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, các linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương…tăng sản xuất linh kiện động cơ, linh kiện điện tử và cả cell pin. Hiện VinFast mới chỉ đóng gói pin, các cell pin vẫn nhập khẩu từ nước ngoài. Bộ pin trong xe điện có giá trị khá cao. Ví dụ chiếc VinFast VF 3 pin có giá khoảng 80 triệu đồng, tương đương 25% giá xe. Nếu có thể tự chủ nguồn pin, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng mạnh.
VinFast cho biết, sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ. Cụ thể, sẽ kêu gọi đầu tư FDI mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất linh kiện trong tổ hợp nhà máy VinFast. Song song, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và tham gia vào chuỗi cung ứng của VinFast. Qua đó góp phần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Cùng với đó là hợp tác chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến về Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa. Để đạt mục tiêu này, VinFast sẽ làm việc với các công ty có chuyên môn về thiết kế, sản xuất các linh kiện phức tạp và đòi hỏi chất xám, công nghệ hàng đầu thế giới. Qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác hiện tại của VinFast tại Việt Nam. Đồng thời phát triển năng lực nội bộ, bằng cách đào tạo đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam, để vận hành công nghệ một cách hiệu quả và sáng tạo. Hoạt động này sẽ giúp tăng tính chủ động trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí nhập khẩu, và từng bước xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của VinFast không chỉ là mục tiêu kinh doanh mà còn là một phần trong sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Với sự đầu tư bài bản, các mục tiêu và cam kết lâu dài, VinFast không chỉ từng bước hiện thực hóa mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 80% vào năm 2026 mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ và bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam trong tương lai.