Ông chủ Busmap Lê Yên Thanh: Khởi nghiệp thành công cần tư duy ngược

Theo Thanh Niên 17/05/2018 07:06

Có ý tưởng từ khi còn là sinh viên năm 1, khởi nghiệp thành công với ứng dụng Busmap, Lê Yên Thanh đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ.

Sinh viên hào hứng với chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp từ các chuyên gia. Ảnh: Mỹ Quyên

Trong chương trình giao lưu phát động giải thưởng Nhân tài đất Việt, hàng trăm sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về việc biến ý tưởng thành sản phẩm và khởi nghiệp thành công từ sản phẩm đó.

Tạo ra sản phẩm xã hội cần

Có mặt tại chương trình, Lê Yên Thanh, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, người từng đoạt giải nhì cuộc thi Nhân tài đất Việt năm 2015 với sản phẩm Busmap, một ứng dụng dành cho người đi xe buýt tại TP.HCM. Hiện ứng dụng này có trên 5 triệu lượt người dùng/tháng nhưng chỉ mất chi phí 20 USD để chạy trên máy chủ. Yên Thanh hiện là Giám đốc công nghệ, đồng sáng lập Jobhop.

Lê Yên Thanh nói về cách khởi nghiệp thành công. Ảnh: Mỹ Quyên

Yên Thanh cho biết: “Có 3 yếu tố khiến bạn khởi nghiệp thất bại: sản phẩm không có 'team' làm, sản phẩm không có vốn và sản phẩm làm ra không có người sử dụng. Ngày nay, các bạn trẻ rất giỏi về chuyên môn và công nghệ. Nhưng lại có một hạn chế trong việc sử dụng công nghệ đó để tạo ra một sản phẩm giúp ích được cho người tiêu dùng. Một sản phẩm không có người dùng thì sẽ thất bại”.

Yên Thanh chỉ ra điểm yếu chung của bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp, đó là phần lớn có tư duy “Tôi có kiến thức, tôi có ý tưởng, tôi sẽ tạo ra sản phẩm tôi muốn”. Trong khi, lẽ ra phải tư duy ngược lại: “Tôi sẽ làm sản phẩm để giải quyết nhu cầu, vấn đề trong cuộc sống. Tôi sẽ tìm phương tiện, kiến thức, phương pháp để làm ra sản phẩm đó”. Nghĩa là phải biết người tiêu dùng đang cần sản phẩm gì trước, chứ không phải là làm cái mà mình có thể làm trước.

Để chứng minh, Lê Yên Thanh kể lại: “Ngay từ năm 1, mình đã trăn trở về việc làm thế nào để đi xe buýt từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đến Hồ Con Rùa một cách nhanh nhất. Bạn bè mình và rất nhiều người đi xe buýt cũng có câu hỏi tương tự. Từ nhu cầu đó, mình và một người bạn đã lên ý tưởng cho một sản phẩm hỗ trợ người dùng xe buýt. Hè năm nhất (2013) tụi mình hoàn thiện nó. Đến năm 2015 thì sản phẩm được đưa ra cộng đồng với sự hỗ trợ của Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Đến nay, nhờ ứng dụng này mà nhiều người thay đổi thói quen giao thông, thấy được sự thuận tiện của xe buýt nên đi phương tiện này nhiều hơn”.

Phải ứng dụng công nghệ vào khởi nghiệp

Theo các chuyên gia, ngày nay, để khởi nghiệp thành công, nhất định các bạn trẻ phải biết ứng dụng công nghệ vào việc điều hành, quản lý công việc.

Ông Ninh Gia Hạnh, Giám đốc điều hành MyXteam, thành viên HĐQT Ibosses Việt Nam, nhận định: “Công nghệ sẽ giúp cho một doanh nghiệp không cần phải có quá nhiều nhân sự nhưng vẫn có thể làm được một khối lượng công việc tuyệt vời. Các bạn có thể sử dụng công nghệ để bán hàng tự động, chăm sóc khác hành tự động, nó giúp cùng lúc trò chuyện với hàng nghìn người, thay vì phải có một bộ phận đi tiếp thị, gặp gỡ khách hàng”.

Vì thế, theo ông Hạnh, điều đầu tiên bạn trẻ khởi nghiệp phải biết ứng dụng công nghệ vào việc lập kế hoạch, quản lý kế hoạch, quản lý nhân sự… “Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, chủ doanh nghiệp có thể tạo ra các nhóm làm việc hiệu quả, trao đổi công việc thông qua hệ thống, truy cập kiểm tra xem ai đang làm gì, có làm đúng thời hạn hay không… ở mọi lúc mọi nơi”, ông Hạnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cũng cho rằng, bạn trẻ nên dùng kiến thức để giải quyết những bài toán đơn giản nhất nhưng có giá trị sử dụng cao và nhất định phải đưa nền tảng công nghệ vào sản phẩm. “Ở thời đại này, chỉ cần sản phẩm của bạn có công nghệ nhanh hơn người khác một giây là bạn đã thắng”, ông Long nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông chủ Busmap Lê Yên Thanh: Khởi nghiệp thành công cần tư duy ngược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO