Trước công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ về nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại công ty Sasco do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định: sẽ theo sát và xử lý ngay khi có chỉ đạo của các Bộ, Ngành liên quan.
Ngày 12/10/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố khá nhiều tồn tại, vi phạm của công ty mẹ ACV và công ty thành viên Sasco trong hầu hết các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản, sử dụng đất và cổ phần hóa, thoái vốn…
Cụ thể, từ năm 2005 đến 2015, Sasco đã đầu tư vốn thành lập công ty Liên doanh Nhà Viethaus tại Đức (liên doanh giữa Sasco và công ty H.M.SKY Gmbh - Đức). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không có hiệu quả, lỗ lũy kế đến 31/12/2015 là hơn 13,4 triệu euro, tổng các khoản nợ lên đến 9,6 triệu euro (tương đương gần 62 tỷ đồng).
Sasco còn được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê hơn 131 ha đất lâm nghiệp rừng phòng hộ để triển khai Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa nhưng công ty này không triển khai.
Sasco cũng chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2001 đến 2016 với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, Sasco đã thiếu kiểm tra, giám sát để công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam đánh giá lại một số tài sản sai quy định, dẫn đến làm giảm vốn Nhà nước khi cổ phần hóa số tiền gần 13 tỷ đồng…
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ông tham gia Sasco với cương vị Chủ tịch từ tháng 4/2017, trong khi các sai phạm diễn ra trong giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, với cương vị Chủ tịch, ông Hạnh Nguyễn cho biết sẽ theo sát và xử lý ngay khi có chỉ đạo của các Bộ, Ngành liên quan.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, trong kết luận thanh tra có 4 nội dung liên quan đến trách nhiệm của Sasco và hiện nay tất cả các nội dung này đã được khắc phục.
Ông Hạnh Nguyễn cũng cho hay, với dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Suối Hoa Đà Lạt, đến nay Sasco đang hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án Suối Hoa, theo CV số 11460/VPCP-NN ngày 27/10/2017 của Văn phòng Chính phủ cho phép Dự án này được tiếp tục triển khai thực hiện. Đồng thời Sasco cũng đã được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân Tỉnh Lâm đồng theo công văn số 305/TB-UBND ngày 9/11/2017 và công văn số 7186 /CCT-TBTK ngày 5/12/2017 của chi cục thuế thành phố Đà Lạt về việc cho Sasco thực hiện thủ tục miễn giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật .
Đối với dự án Viethaus, đây là dự án được Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp phép đầu tư ra nước ngoài vào tháng 1/2005 với mục tiêu xúc tiến thương mại và đầu tư, tổ chức hội chợ triển lãm hàng hóa, dịch vụ và XNK của Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ tổng hợp về chính trị văn hóa và kinh tế trong kế hoạch hành động chiến lược giữa Việt Nam và Đức, tuy nhiên khi thực hiện, dự án đã gặp rất nhiều khó khăn.
Sasco đã hoàn tất báo cáo phương án xử lý gửi Bộ Giao thông Vận tải và đang chờ chỉ đạo tiếp theo của các Bộ ngành có liên quan. Bên cạnh đó, Sasco đã có báo cáo ngày 29/12/2017 gửi Phó Thủ Tướng Thường trực Chính phủ kiến nghị xem xét chỉ đạo Bộ Ngoại Giao tiếp tục hỗ trợ Sasco để có hướng giải quyết dứt điểm Dự án Viethaus tại Berlin, Đức.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của mình với sai phạm của Sasco, ông Hạnh Nguyễn nói: "Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý và hoạt động kinh doanh cua ACV giai đoạn 2012-2015, và Sasco là một trong những công ty con của ACV. Tôi tham gia với cương vị chủ tịch HĐQT của Sasco từ tháng 4/2017 và đương nhiên đối với những sai phạm trước thì ACV và lãnh đạo thời kỳ trước năm 2017 của Sasco đã và đang giải quyết. Nhưng với cương vị hiện nay, tôi phải chịu trách nhiệm với cổ đông về việc kinh doanh đạt hiệu quả và bảo toàn vốn cho Sasco. Vì vậy, HĐQT và Ban Tổng giám đốc Sasco sẽ theo sát và xử lý ngay khi có chỉ đạo của các Bộ, Ngành liên quan".
Sasco có tiền thân là công ty Dịch vụ Hàng không các Sân bay miền Nam, được thành lập từ năm 1993, đến năm 2015 chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Sau nhiều năm "vung tiền" nhằm thâu tóm Sasco, tháng 4/2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại sân bay lớn nhất cả nước này, mặc dù không phải cổ đông lớn nhất.
Hiện tại, ACV vẫn là cổ đông lớn nhất của Sasco với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 49,07%, ông Jonathan Hạnh Nguyễn là cổ đông lớn thứ hai thông qua số cổ phần nắm giữ khoảng 45% tại các công ty của gia đình như: Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group), công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và công ty Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).
Vợ ông – bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện cũng là thành viên HĐQT của Sasco với tỷ lệ cổ phần 15,24%. Mới đây nhất, ngày 7/12/2017, bà Thủy Tiên thông qua công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu đã tiến hành mua gom thêm 200.000 cổ phần SASCO, nâng tỷ lệ sở hữu lên 15,4%.
Năm 2017 Sasco đạt doanh thu 2.346 tỷ đồng, đạt 105,8% so với kế hoạch và tăng 12,3% cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế khoảng 330,8 tỷ VND, đạt 149,9% kế hoạch, tăng 17,1% so cùng kỳ.