Sau những động thái thử nghiệm tên lửa tầm ngắn, các chuyên gia nhận định, ông Kim Jong-un ngày càng bộc lộ rất ít ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang cố tình khiêu khích khi đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế còn tồn tại 18 tháng sau vụ thử tên lửa trước đó. Bên cạnh đó, ông cũng đang gửi một thông điệp tới Washington: Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc chấp nhận các yêu cầu của Mỹ, và Tổng thống Mỹ Donald Trump cần thay đổi lập trường đàm phán.
Mặc dù không có những vụ thử nghiệm vũ khí nguy hiểm, nhưng một số lượng lớn các vụ thử nghiệm nhỏ diễn ra lặp đi lặp lại có thể có tác động xấu tương tự như một thử nghiệm tên lửa tầm xa có khả năng tấn công Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
06:45, 10/05/2019
12:00, 25/04/2019
05:29, 19/04/2019
14:30, 18/04/2019
Trong một nỗ lực có khả năng kiềm chế sự khiêu khích hơn nữa của Bình Nhưỡng, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Mỹ đã bắt giữ một tàu Triều Tiên lần đầu tiên do cáo buộc việc vận chuyển than của đất nước này vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Mỹ cũng đã thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tại một căn cứ ở California.
Việc nhắm mắt làm ngơ trước những tên lửa không tới được Mỹ có thể gây ra rạn nứt với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia vốn nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm ngắn. Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên cuối cùng đã làm giảm sự kiên nhẫn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Sau nhiều nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền và luôn duy trì sự lạc quan về triển vọng hợp tác với Bình Nhưỡng. Nhưng các vụ phóng tên lửa tầm ngắn vừa qua dường như đã làm giảm sự lạc quan của ông.
"Tôi muốn cảnh báo Triều Tiên rằng nếu những hành động như vậy lặp đi lặp lại sẽ khiến cho các cuộc đàm phán trở nên khó khăn", ông Moon nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Các cuộc kiểm tra cũng đã thuyết phục Hàn Quốc lùi một bước khỏi đề nghị viện trợ lương thực vô điều kiện cho Triều Tiên.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều triển vọng cho thấy các cuộc đàm phán về tương lai của kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sắp bước vào một giai đoạn mới và hiệu quả hơn khi các cường quốc khác tham gia tích cực hơn trong câu chuyện này.
Rõ ràng là Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Nhật Bản đều có khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã gặp ông Kim lần đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh tại Vladivostok. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tới thăm Triều Tiên sau bốn cuộc gặp mà ông đã tổ chức với ông Kim tại Trung Quốc trong năm qua.
Có lẽ đáng kể hơn là lời đề nghị gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng ông sẵn sàng gặp Kim "vô điều kiện" để cải thiện quan hệ. Từ trước đến nay, Nhật Bản là cường quốc duy nhất trong khu vực không tham gia vào các vấn đề của Triều Tiên do những đối lập trong quá khứ.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đã làm dịu đường lối của mình đối với Bình Nhưỡng. Ông Abe đã đề cập đến khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với ông Kim để thảo luận về nhiều vấn đề giữa hai nước trong thời gian sắp tới. Rất có thể, Thủ tướng Nhật Bản sẽ có một bước đột phá với Triều Tiên trước cuộc bầu cử thượng viện năm nay.
Mặc dù sự tham gia mới của Trung Quốc, Nga và Nhật Bản không nhất thiết liên quan đến việc tái khởi động cuộc đàm phán sáu bên nhưng thay vào đó, vai trò của họ sẽ là đảm bảo cho thỏa thuận giữa Washington và Bình Nhưỡng được thực thi như đưa ra các đảm bảo an ninh đa phương cho Triều Tiên và chế độ kiểm soát vũ khí trong khu vực để đổi lấy việc giải trừ hạt nhân.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, các bên sẽ cần tìm ra điểm chung trong việc thiết lập trình tự giữa việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và phi hạt nhân hóa. Một dấu hiệu đầy hy vọng hiện nay là Tổng thống Trump nói với ông Moon rằng ông đồng ý việc Seoul viện trợ lương thực cho Triều Tiên.
Mỹ từ lâu đã có một quan điểm cố định về các biện pháp trừng phạt. Nhưng hầu hết các nghiên cứu học thuật cho thấy các biện pháp trừng phạt phần lớn là không hiệu quả. Tồi tệ hơn, các lệnh trừng phạt có thể gây phản tác dụng và làm chệch hướng mục tiêu đã đề ra.
Do đó, sự tham gia của Trung Quốc, Nga và Nhật Bản cùng những lời hứa có thể hỗ trợ phát triển kinh tế của họ giờ đây có thể mang lại cho Tổng thống Trump vỏ bọc chính trị mà ông cần để giảm bớt một phần các biện pháp trừng phạt đổi lấy chương trình hạt nhân của ông Kim.