Theo ông Tô Hải, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt (Bản Việt, HoSE: VCI), năm 2023, nền kinh tế sẽ có một số yếu tố thuận lợi và cùng với đó, có những yếu tố cản đà tăng trưởng.
>>FiinRatings công bố xếp hạng tín nhiệm lần đầu của VCI
Ở góc độ của công ty có vị thế số 1 trong nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, ông Tô Hải cho biết, về thị trường M&A, sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, thị trường Việt Nam chững laị trong năm 2022 do các bên tham gia giao dịch M&A có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn, một phần là do những lo ngại về địa chính trị trên toàn cầu cùng nguy cơ về lạm phát cao gây ảnh hưởng đến các giao dịch xuyên quốc gia.
“Với sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2023 (dự kiến 6,5%) sau khi đạt mức tăng trưởng GDP năm 2022 là 8,02%. Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm lại vào năm 2023, đây vẫn là mức tăng trưởng cao do hầu hết các nền kinh tế khác đều được dự đoán mức tăng trưởng thấp hơn nhiều, thậm chí là tăng trưởng âm. Trong bối cảnh đó, giá trị của các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng”, Tổng Giám đốc VCSC nhận định.
Công ty này vì vậy cũng tự tin khẳng định sang năm 2023, Bản Việt sẽ giữ vững, đồng thời ngày càng củng cố vị thế số 1 trong nghiệp vụ này. Công ty luôn có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp trong nước, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, và là đơn vị tư vấn cho nhiều doanh nghiệp hàng đầu đang niêm yết tại Việt Nam.
Năm 2022, bộ phận ngân hàng đầu tư của Bản Việt ghi nhận doanh thu 431 tỷ đồng (tăng 28% so với năm 2021) và lợi nhuận trước thuế 342 tỷ đồng trong năm 2022 (tăng 48% so với năm 2021), đóng góp tích cực trong tổng lợi nhuận trước thuế của Bản Việt 1.060 tỷ đồng.
>>Masan giải ngân thành công đợt 1 khoản vay hợp vốn 650 triệu USD
Doanh thu ngân hàng đầu tư của Bản Việt năm 2022 đến từ các thương vụ đáng chú ý như tư vấn cho các cổ đông sáng lập của chuỗi trà sữa Phúc Long bán phần vốn chi phối cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN), Masan Meat Life chuyển nhượng mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho De Heus Việt Nam, phát hành riêng lẻ cho CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hưng Thịnh Group mua lại CTCP Sông Tiền.
Năm 2023, theo Tổng Giám đốc Chứng khoán Bản Việt, Chính phủ đặt mục tiêu GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,5%.
"Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng này là khả thi nhờ một loạt các yếu tố hỗ trợ: (1) Ngành du lịch được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi ấn tượng trong năm 2023, cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước và sự gia tăng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (đặc biệt là từ Trung Quốc khi nước này đã thực hiện chính sách mở cửa lại sau Covid-19), (2) Giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, (3) Việc Trung Quốc mở cửa sau Covid-19 sẽ giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ và (4) Sự ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023", ông Tô Hải nhận định.
Theo Bộ phận phân tích của Chứng khoán Bản Việt dự báo, tăng trưởng EPS của VN-Index sẽ đạt khoảng 10% cho năm 2023 tương ứng với P/E dự phóng cho năm 2023 là 9,5 lần. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng không loại trừ những rủi ro nhất định có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam, ví dụ như (1) Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc cao hơn dự kiến dẫn đến gián đoạn lớn hơn đối với hoạt động sản xuất, thương mại và FDI; 2) Lạm phát cao hơn dự kiến khiến lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn; 3) Các vấn đề tài chính của các công ty phát triển bất động sản ảnh hưởng đến các ngân hàng và nền kinh tế; 4) Chính sách tài khóa thắt chặt hơn dự kiến; và 5) Các rủi ro khác như cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán Bản Việt (VCI) mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
11:07, 14/12/2022
VCSC lên kế hoạch lãi lớn, dự kiến đổi tên
15:00, 09/03/2023
VCSC tư vấn thành công cho Mekong Capital thoái vốn tại Pizza 4P's
07:00, 22/11/2022
VCSC vay vốn hạn mức 105 triệu USD kèm quyền mở rộng
11:00, 20/10/2022