Diễn biến mua bán cổ phiếu của Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (HoSE: OPC) thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp này đã thực sự lọt vào tầm ngắm của khối ngoại.
Hiện tỷ lệ sở hữu của Quỹ đầu tư PVI là 24,38% và của Công ty CP Pacific Partners ở mức 12,86%.
Từng xác định quyết không để khối ngoại thâu tóm, OPC đã thay đổi mục tiêu này, buông lỏng kế hoạch nắm giữ. Việc Công ty CP Chứng khoán SSI vừa bán ra hơn 3,2 triệu cổ phiếu OPC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,48% xuống 0,42%, cùng chiều với việc thoái vốn của lãnh đạo và người nhà tại OPC, đã tạo điều kiện cho khối ngoại mua vào cổ phiếu OPC.
Theo đó, Quỹ đầu tư cơ hội PVI (PVI AM) đã mua 6,6 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn tại OPC, nâng tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của OPC lên 24,38%. Song song, Công ty CP Pacific Partners đã mua vào hơn 3,4 triệu cổ phiếu OPC, tương ứng 12,86% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Cơ cấu sở hữu OPC tính ở khối cổ đông lớn hiện tại sau các giao dịch trên là: Quỹ PVI: 24,83%; Nhóm ông Trịnh Xuân Vương- Chủ tịch HĐQT (gồm cả vợ, con): 19,69%; Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm): 13,4%; Pacific Partners: 12,86%; các cổ đông khác gần 30%.
37,69% là tổng tỷ lệ nắm giữ của Qũy đầu tư cơ hội PVI và Công ty CP Pacific Partners tại Công ty OPC.
Như vậy, nhóm ông Trịnh Xuân Vương và cổ đông Vinapharm, trong tương quan sở hữu ở trên, vẫn có thể “cân” với nhóm cổ đông Quỹ đầu tư ngoại tại OPC. Vấn đề là, Bộ Y tế đang có kế hoạch thoái vốn tiếp tại Vinapharm, chỉ giữ khoảng 36% (từ mức 65% hiện tại). Do đó để giữ được tương quan này hay không, vẫn phải xem Việt Phương – cổ đông lớn của Vinapharm, hay ai, sẽ tiếp quản lượng cổ phiếu sắp thoái và qua đó, sẽ quyết định đến việc giữ hay bán cổ phiếu OPC trong tương lai.
Năm 2020, COVID-19 tác động từ toàn cầu đến Việt Nam, nhưng không ảnh hưởng đến thị trường M&A lĩnh vực dược của nước ta. Ngược lại, thị trường dược phẩm càng sôi động, bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân ngày càng tăng cao. Quan trọng hơn, Hiệp định EVFTA mở ra môi trường cạnh tranh của ngành dược châu Âu vào Việt Nam nhưng ngược lại, cũng tạo chân trời cho doanh nghiệp dược Việt “xuất biên” hiệu quả.
Theo đó, Taisho (Nhật) đã nhảy vào thâu tóm Dược Hậu Giang khá sớm với sở hữu hiện tại hơn 51%; Tập đoàn SK (Hàn Quốc) nắm 53,25% vốn của Dược phẩm Imexpharm (IMP), ASKA (Nhật Bản) mua 25% vốn của Dược phẩm Hà Tây (DHT) hay Stada (Đức) nâng sở hữu tại Pymepharco (PME) lên 99,53%. Ngay cả Traphaco chuyên mảng đông dược, cũng có cổ đông ngoại nắm hơn 40%...
Có thể nói các doanh nghiệp đầu ngành dược Việt Nam đang lần lượt rơi vào tay khối ngoại, và tiến trình này là tất yếu khi được cổ phần hóa, lên sàn niêm yết, gọi vốn bên ngoài.
Vì vậy, OPC không phải là cái tên đầu tiên, nhưng có lẽ cũng không phải cuối cùng bị cuốn theo chiều gió, để khối ngoại chủ động “kê đơn”, tăng liều đầu tư tại doanh nghiệp. Chỉ đáng tiếc là nếu như phía Bắc có Traphaco, phía Nam có OPC, là những đơn vị đã tập trung vào thị trường thuốc đông dược, bứt phá thành công và giành lại thị phần thuốc trong nước từ các sản phẩm ngoại nhập, thì nay OPC có thể bị mất quyền kiểm soát về tay khối ngoại, trong khi mục tiêu giữ bằng được tinh túy y học cổ truyền kết hợp với hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
"Miếng bánh" dược phẩm không dễ xơi
11:00, 03/05/2021
Phát hiện, tạm giữ lô dược phẩm “khủng” nghi nhập lậu tại Hà Nội
10:16, 12/03/2021
Thấy gì từ chiến lược dược phẩm Châu Âu?
11:00, 06/12/2020
Sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn Dược phẩm Sao Kim bị phạt 70 triệu đồng
11:00, 30/12/2020
Nhóm cổ phiếu dược có thực sự hưởng lợi từ virus COVID-19?
14:44, 03/02/2020