Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xăng dầu lo "sân sau" thâu tóm thị trường

Thy Hằng 06/05/2025 03:08

Dự thảo nghị định mới cho phép công ty con của đầu mối tham gia thị trường mà không cần giấy phép đủ điều kiện sẽ dễ bị lạm dụng để lập "sân sau" thâu tóm thị trường phân phối và bán lẻ.

Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương soạn thảo, khi ban hành sẽ thay thế 3 nghị định: Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

xd-17391757327681914240950.jpeg
Dự thảo lần thứ 6 Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng.

Dù đã qua nhiều lần lấy ý kiến, dự thảo tới lần thứ 6 đã được công bố, tuy vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng.

Theo đó, trong bản tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhằm phản biện, góp ý cho dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng mới đây, các doanh nghiệp kinh doanh kiến nghị sửa đổi 5 nội dung.

Trước hết, điều 12 dự thảo nghị định mới cho phép công ty con của đầu mối, phân phối tham gia thị trường mà không cần giấy phép đủ điều kiện. Doanh nghiệp cho rằng quy định như vậy dễ bị lạm dụng để lập "sân sau" thâu tóm thị trường phân phối và bán lẻ. Việc cho phép này sẽ tạo ra đặc quyền, hình thành cơ chế "vừa đá bóng vừa thổi còi", gây lũng đoạn thị trường, đẩy doanh nghiệp bán lẻ vào thế bị động, dễ bị loại khỏi hệ thống phân phối.

Vì thế, doanh nghiệp đề nghị bãi bỏ hoàn toàn cơ chế miễn giấy phép đối với công ty con, yêu cầu phải đăng ký và được cấp giấy xác nhận như mọi doanh nghiệp độc lập. Mọi chủ thể, dù là đầu mối hay cửa hàng bán lẻ đều phải tuân thủ điều kiện kinh doanh bình đẳng theo đúng nguyên tắc thị trường.

Thứ hai, dự thảo nghị định quy định doanh nghiệp bán lẻ không được bán giá cao hơn giá mà đầu mối, phân phối công bố. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, do không có cơ chế kiểm soát tính hợp lý của giá bán lẻ công bố nên dễ dẫn đến nguy cơ bị thao túng.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị giá công bố phải được bóc tách rõ ràng chi phí, lợi nhuận từng khâu (đầu mối - phân phối - bán lẻ). Doanh nghiệp bán lẻ phải được tính đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý, để bảo đảm sống còn và tái đầu tư. Cấm hành vi chuyển giá, ép chiết khấu, gây thiệt hại cho hệ thống cửa hàng bán lẻ, gây ra đổ vỡ dây chuyền.

Thứ ba, điều 17 dự thảo nghị định còn “trói buộc” doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn duy nhất, khiến doanh nghiệp bán lẻ không thể xoay sở, bị phụ thuộc tuyệt đối vào một nhà cung cấp.

Các doanh nghiệp kiến nghị, nên cho phép doanh nghiệp bán lẻ ký hợp đồng với nhiều nhà cung cấp, để đảm bảo linh hoạt về giá và nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, tránh bị chèn ép.

Doanh nghiệp cho rằng, nội dung này có thể bị hiểu và vận dụng theo hướng là một cửa hàng xăng dầu đã đăng ký theo một hệ thống thì không ký được hợp đồng hoặc lấy hàng từ thương nhân phân phối/đầu mối khác. Như vậy là quay lại thời kỳ doanh nghiệp bán lẻ không thể lấy hàng từ nhiều nguồn, mâu thuẫn với chủ trương tạo thị trường cạnh tranh. Với nội dung này, doanh nghiệp bán lẻ đề nghị bỏ và chỉ nên quản lý bằng hợp đồng mua bán và chứng từ giao dịch thực tế và giữ nguyên đề xuất cho phép doanh nghiệp bán lẻ ký với nhiều nguồn mua hàng, nhưng phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng tại thời điểm bán ra.

plx20220914095552-1700748728502716650266.jpg
Doanh nghiệp cho rằng còn những quy định dễ bị lạm dụng để lập "sân sau" thâu tóm thị trường phân phối, bán lẻ và thao túng giá.

Thứ tư, điều 19 của dự thảo quy định giá bán lẻ của thương nhân bán lẻ không cao hơn giá bán lẻ được phân phối, đầu mối công bố.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, nếu nhà cung cấp cố tình công bố giá bán lẻ thấp hơn chi phí thực tế mà doanh nghiệp bán lẻ phải gánh, thì doanh nghiệp không thể nâng giá để bù chi phí. Từ đó, dẫn đến lỗ liên tục, đáng nói quy định này sẽ khiến thị trường trở nên méo mó, một nhóm doanh nghiệp đầu mối vừa kiểm soát nguồn hàng vừa kiểm soát giá bán lẻ.

Do vậy, doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị phải quy định rõ giá bán lẻ công bố chỉ có tính tham khảo; thương nhân bán lẻ có quyền điều chỉnh giá trong khung trần do nhà nước quy định. Cấm hành vi công bố giá bán lẻ dưới giá vốn nhằm triệt hạ đối thủ hoặc thao túng hệ thống.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cho rằng, cần quy định rõ việc giao nhận xăng dầu trong nội địa phải được quy đổi về nhiệt độ chuẩn D15°C - tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng tại khâu nhập khẩu và tổng kho - để bảo đảm công bằng, minh bạch trong phân phối.

Hiện nay, thương nhân đầu mối được nhận hàng ở D15°C nhưng khi xuất cho thương nhân bán lẻ lại giao theo nhiệt độ thực tế (thường cao hơn), gây thiệt hại lớn và kéo dài cho doanh nghiệp bán lẻ do xăng dầu co lại khi nhập vào bồn ngầm tiếp xúc với môi trường mát hơn. Tình trạng này không chỉ làm doanh nghiệp bán lẻ bị thiệt hại còn đẩy nguy cơ tuồn hàng thừa tích lũy tại các tổng kho, có thể gây thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh bất bình đẳng.

Từ đó, doanh nghiệp kiến nghị cần quy định thống nhất D15°C cho tất cả các khâu giao nhận, không phân biệt chủ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp xăng dầu lo "sân sau" thâu tóm thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO