Được đánh giá là bộ chỉ số thể hiện “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp, chỉ ra và thúc đẩy dư địa cải cách từ địa phương, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 sẽ được VCCI công bố vào ngày 22/3/2018 tại Hà Nội.
Theo đó, sáng ngày 22/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số PCI năm 2017. Đây là năm thứ 13 liên tiếp, VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Thước đo môi trường đầu tư kinh doanh
Theo đó, bắt đầu từ năm 2005, từ việc đơn thuần là một bộ chỉ số chỉ có tính chất khuyến cáo và kiến nghị địa phương tham gia một cách tự nguyện, PCI đã trở thành một yêu cầu bắt buộc được ghi trong nghị quyết của Chính phủ, điều này đã ghi nhận sự đóng góp của bộ chỉ số PCI trong sự cải cách của các địa phương tại Việt Nam.
Nói như TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI: “PCI đã trở thành cảm hứng và áp lực tuyệt vời cho việc cải cách tại các địa phương và cơ sở”.
Thời điểm ban đầu, có những địa phương từng thẳng thừng đề nghị đưa họ ra khỏi bảng xếp hạng bởi phương thức được cho là “ngược” khi doanh nghiệp "chấm điểm" cơ quan nhà nước. Tuy nhiên đến nay, tất cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc đã ban hành các văn bản chỉ đạo và chương trình hành động về cải thiện PCI. Một tác động cải cách rộng khắp từ PCI.
Hầu hết các địa phương đều chọn việc cải thiện các tiêu chí của PCI làm nền tảng cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Đặc biệt, trong dịp đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, 13 tỉnh, thành phố đã đưa mục tiêu cải thiện chỉ số PCI làm mục tiêu phấn đấu của hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền cấp tỉnh vào văn kiện Đại hội Đảng bộ.
PCI đã trở nên quen thuộc với nhiều địa phương và trở thành một chỉ báo tin cậy và khách quan về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Các chỉ số mà PCI đánh giá gồm mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng… PCI cũng đánh giá mức độ hỗ trợ của chính quyền như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Không còn nằm trong khuổn khổ giới hạn trong 63 tỉnh thành của Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc còn cho biết, PCI đã “xuất khẩu” thành công trên hơn 10 nước trên thế giới. “PCI là sáng kiến và là công việc của Việt Nam nhưng đã có sự hỗ trợ và đồng hành tích cực của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã giúp VCCI đưa PCI vươn tới chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
10.000 doanh nghiệp “chấm điểm” năm 2017
VCCI cũng cho biết, riêng cuộc điều tra PCI 2017 đã nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017 và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm |
Ngoài bảng xếp hạng PCI, phân tích về xu hướng thay đổi các lĩnh vực điều hành cấp tỉnh, báo cáo PCI năm nay như thường lệ có chương riêng đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có các đánh giá về cải cách thủ tục hành chính, các khó khăn, thuận lợi trong kinh doanh và những vấn đề về lao động.
Đặc biệt, VCCI cho biết trong báo cáo PCI năm nay có một chương riêng phân tích về chất lượng quản lý của doanh nghiệp. “Chương này sẽ phân tích về thực trạng chất lượng quản lý nội bộ của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Không chỉ các yếu tố về môi trường chính sách bên ngoài, những vấn đề quản lý, quản trị cũng tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh, mức độ hội nhập và việc tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí chất lượng quản lý cũng sẽ ảnh hưởng đến sự thoả hiệp của doanh nghiệp với vấn đề chi phí không chính thức”, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế-VCCI cho biết.
Trong PCI 2017 còn có rà soát và chỉnh sửa về hệ thống chỉ số, điều chỉnh và bổ sung nhiều chỉ tiêu mới trong hệ thống 10 chỉ số thành phần như tình hình an ninh trật tự tại địa phương hay điều chỉnh phân nhóm xếp hạng.
Theo nhiều chuyên gia, PCI giúp lãnh đạo các địa phương có được sự phản ánh khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp để nhận rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của địa phương mình, tạo sức ép và động lực cho bộ máy chính quyền các cấp tiến hành những cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh.
Những năm qua, để cải thiện thứ hạng PCI, nhiều địa phương đã gắn liền trách nhiệm cải thiện môi trường kinh doanh trên các lĩnh vực cho từng sở, ngành, để có kế hoạch, lộ trình triển khai, có cơ chế giám sát, đánh giá… Đặc biệt, nhiều địa phương đã tăng cường thông tin và tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp định kỳ, theo nhóm vấn đề, địa bàn hoạt động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong Bảng xếp hạng PCI 2016 được công bố vào tháng 3/2017, 5 địa phương đứng đầu theo thứ tự là Đà Nẵng (70 điểm), Quảng Ninh (65,60 điểm), Đồng Tháp (64,96 điểm), Bình Dương (63,57 điểm) và Lào Cai (62,76 điểm). Với kết quả đó, Đà Nẵng đã nắm giữ vị trí đầu bảng năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, điểm số của Đà Nẵng cũng lần đầu tiên bứt phá lên mức 70 điểm kể từ năm 2010. Bảng xếp hạng PCI 2016 cũng chứng kiến sự đổi ngôi của tỉnh Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của Bảng xếp hạng, lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm điều tra PCI. |