Với 69,48 điểm, năm 2024 Hải Dương đứng thứ 14 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng 3 bậc so với năm 2023.
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2024, Hải Dương đứng thứ 14 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với 69,48 điểm, tăng 0,8 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2023.
Ở vị trí 14 trong bảng xếp hạng PCI, Hải Dương đã đạt mục tiêu phấn đấu lọt top 15 về chỉ số PCI mà UBND tỉnh đưa ra trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 của tỉnh.
Trong bảng xếp hạng PCI cả nước năm 2024, Hải Phòng dẫn đầu cả nước với 74,84 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2023. So với năm 2023, Quảng Ninh, Long An đều giảm 1 bậc xuống vị trí thứ 2 và thứ 3. Bắc Giang giữ vững vị trí thứ 4. Trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1 bậc lên vị trí thứ 5.
PCI 2024 là lần công bố thứ 20 của VCCI và cũng là lần cuối cùng có đủ 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, trước khi hợp nhất một số tỉnh, thành phố.
PCI được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần gồm: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) năm 2024 là ấn phẩm thường niên do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện. Báo cáo này góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam. Hoạt động thường niên này được bắt đầu từ năm 2005 với sự đồng hành của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các đối tác tư nhân trong nước
Được biết, PCJ được khảo sát thường niên với hơn 8.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Năm 2024, các doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên nhằm phản ánh đúng cơ cấu doanh nghiệp tại từng địa phương. Phương pháp phân tầng được áp dụng để đảm bảo các yếu tố như số năm hoạt động, loại hình pháp lý và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp được đại diện chính xác. Trong tổng số 47.162 doanh nghiệp được xác định, có 8.566 doanh nghiệp tư nhân tại 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành khảo sát. Tỷ lệ phản hồi của khảo sát đạt 18,2%.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới với những mục tiêu đầy tham vọng – mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo như chỉ đạo của Đảng và Chính phủ – việc duy trì và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp địa phương là nhiệm vụ cấp bách và mang tính quyết định.
PCI 2024 một lần nữa khẳng định vai trò là công cụ giám sát và phản ánh tiếng nói trung thực của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời là kim chỉ nam cho các nỗ lực cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy hành chính và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là điều kiện cần mà còn là động lực cốt lõi để Việt Nam đạt được khát vọng hùng cường, sánh vai cùng các nền kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới.