PCI Thái Bình: Chính quyền quyết tâm – Doanh nghiệp đồng thuận

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 28/04/2023 05:29

Những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Thái Bình được cải thiện đáng kể với việc PCI tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng. Thái Bình sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục cải thiện trong thời gian tới?

>>> PCI 2022: Thái Bình chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư

Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông! Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho thấy, năm 2022, PCI tỉnh Thái Bình tăng 19 bậc, vươn lên vị trí thứ 28 toàn quốc. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Có thể nói, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư; đồng thời đánh giá được tính năng động của chính quyền tỉnh trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp.

Trong suốt những năm vừa qua, tỉnh Thái Bình luôn hướng đến mục tiêu kiến tạo môi trường đầu tư tốt nhất, mang đến sự hài lòng nhất cho các nhà đầu tư. Do đó, PCI luôn đồng hành cùng tỉnh, là công cụ để tỉnh nhận diện mình, nâng cao năng lực điều hành kinh tế, sửa chữa và khắc phục những khiếm khuyết của mình.

Xác định như vậy nên ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 13/KH-UBND ngày 28/01/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 và Kế hoạch hành động số 39/KH-UBND ngày 16/3/3023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Mục tiêu nhằm tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc những "điểm nghẽn", "nút thắt" trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng thực chất và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Tỉnh Thái Bình luôn cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng việc áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh đối với một số lĩnh vực cụ thể.

Tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với tinh thần sâu sát, linh hoạt, hiệu quả. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.

Trong năm qua, sau khi phân tích các chỉ số thành phần PCI đạt thấp, lãnh đạo tỉnh đã sâu sát chỉ đạo, thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện của các sở, ngành liên quan để có biện pháp khắc phục. Kết quả, một số chỉ số thành phần đạt thấp năm trước năm nay đã đạt điểm cao, như: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 8,50 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc; tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7,20 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc; đào tạo lao động đạt 6,29 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc. Tổng điểm PCI đạt 65,78 điểm, tăng 19 bậc và xếp thứ 28 toàn quốc.

Có được kết quả này là cả một quá trình nỗ lực không ngừng và xứng đáng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh trong suốt thời gian qua. Đó cũng là sự ghi nhận của doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền, có tác động cổ vũ, động viên đối với hệ thống chính trị tỉnh; củng cố niềm tin vào phương pháp, cách làm của chính quyền là đúng, là hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Qua đây cũng quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của Thái Bình không ngừng được cải thiện, là điểm đến lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ làm những gì để tiếp tục cải thiện thứ hạng PCI một cách thiết thực, hiệu quả hơn, thưa ông?

Nắm vững quan điểm, bám sát những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và các mục tiêu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tỉnh Thái Bình phấn đấu năm 2023 xếp hạng chỉ số PCI tăng từ 5 đến 10 bậc so với năm 2022.

Để làm được điều này, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là vấn đề con người; trong đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình

Cải cách hành chính cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi hoặc xây dựng mới các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành.

Trên tinh thần đó, Thái Bình sẽ siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đề cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng xúc tiến đầu tư những thị trường trọng điểm, phù hợp với những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có chủ trương ưu tiên thu hút, như: công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghệ thân thiện với môi trường, nông nghiệp công nghệ cao…những dự án có quy mô lớn nhưng sử dụng ít đất.

Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, giao thông kết nối liên vùng, như: các tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế, đường thành phố Thái Bình đi cầu Sa Cao; đường thành phố Thái Bình đi thị trấn Hưng Hà…; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục thực hiện dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT08), đoạn qua 02 tỉnh Nam Định, Thái Bình theo hình thức BOT; từ đó tạo ra lợi thế để thu hút đầu tư, là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định liên quan đến đánh giá Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

- Trải qua 60 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI cùng chính quyền tỉnh Thái Bình đã có những đống góp quan trọng nào, thưa ông?

Có thể khẳng định, vai trò của VCCI trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang ngày càng phát huy tiếng nói đối với Chính phủ và chính quyền địa phương. VCCI có những sáng kiến thúc đẩy quá trình thực thi chính sách, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh của các địa phương thông qua đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong 18 năm qua, tạo thêm động lực và xung lực mới cho sự phát triển của mỗi địa phương. Với vai trò to lớn của mình, VCCI đã góp phần cải thiện các thể chế, hỗ trợ cho địa phương trong việc cải thiện chỉ số PCI, tạo điều kiện, kết nối và rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền địa phương, các bộ ngành với cộng đồng doanh nghiệp của cả nước nói chung và doanh nghiệp tại Thái Bình nói riêng.

>>> VCCI - Hành trình 60 năm vì Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia thịnh vượng

>>> 60 NĂM VCCI: Tự hào tiên phong vì cộng đồng doanh nghiệp

Đối với Thái Bình, VCCI cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tập hợp được đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, giúp chính quyền tỉnh có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn trong hoạt động quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình là thành viên của VCCI đã làm tốt chức năng hỗ trợ, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội đã tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp và các hội nghị tháo gỡ khó khăn theo từng nhóm ngành nghề; chủ động báo cáo về hoạt động của Hiệp hội, tình hình sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và các đề xuất kiến nghị với Thường trực HĐND, UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo.

Một trong những hoạt động được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI của tỉnh. Bộ chỉ số DDCI đã góp phần tích cực vào cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), tạo ra môi trường ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Tỉnh Thái Bình mong muốn trong thời gian tới, VCCI sẽ tạo điều kiện và quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ địa phương cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, quan trọng nhất là phải cải thiện từng chỉ số, thời gian và giải pháp thực hiện. Đồng thời hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PCI và công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI quyết tâm thực hiện thắng lợi sứ mệnh xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng

    VCCI quyết tâm thực hiện thắng lợi sứ mệnh xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng

    18:18, 26/04/2023

  • Hành trình VCCI 60 năm vì Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia thịnh vượng

    Hành trình VCCI 60 năm vì Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia thịnh vượng

    17:29, 26/04/2023

  • VCCI – Vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp

    VCCI – Vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp

    14:22, 26/04/2023

  • 60 NĂM VCCI: Ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

    60 NĂM VCCI: Ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

    13:00, 26/04/2023

  • 60 NĂM VCCI: Khát vọng vì mộtp/Việt Nam hùng cường

    60 NĂM VCCI: Khát vọng vì một Việt Nam hùng cường

    12:55, 26/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PCI Thái Bình: Chính quyền quyết tâm – Doanh nghiệp đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO