PCI: Thước đo chất lượng điều hành thực thi chính sách

Diendandoanhnghiep.vn "Điều tra PCI những năm qua cho thấy, khoảng cách giữa chính sách, chủ trương, đường lối và thực tiễn thực thi chính là sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố hiện nay".

Đó là khẳng định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, giám đốc dự án PCI khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

PCI đã trải qua 16 năm với nhiều thăng trầm. Qua 16 năm này, điều mà ông Tuấn cảm thấy tâm đắc nhất chính là việc PCI là đã trao quyền thành công cho doanh nghiệp tư nhân để nói lên tiếng nói đánh giá về bộ máy chính quyền. Qua PCI họ thể hiện được sự đánh giá về công tác điều hành kinh tế của bộ máy chính quyền các cấp trên nhiều lĩnh vực.

- Những thành tựu mà PCI mang lại cho cải cách Việt Nam là điều không thể chối cãi, nhưng phản ánh tới DĐDN, nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về chi phí không chính thức, thưa ông?

Tham nhũng hay là chi phí không chính thức là hiện tượng không hiếm gặp trong nhiều ngành, lĩnh vực nhưng phản ánh về nó, thảo luận để thay đổi nó là điều không dễ dàng. Điều tra PCI là một điều tra xã hội học, doanh nghiệp trả lời được giữ kín danh tính và chúng tôi áp dụng nhiều phương pháp để người trả lời có thể thoải mái trả lời những câu hỏi nhạy cảm và không sợ bị liên luỵ hay phiền hà.

Kết quả điều tra PCI những năm gần đây cho thấy xu hướng tích cực của chi phí không chính thức. Nếu trước đây, mức độ phổ biến của chi phí này theo thời gian chỉ có tăng, không có giảm thì trong vòng 3-4 năm nay, đã có xu hướng giảm ấn tượng và rõ rệt. Điều này có lý do từ công cuộc chống tham nhũng mà Đảng đang tiến hành rất mạnh mẽ, nó cũng bắt nguồn từ việc Nhà nước đang đổi mới cơ chế quản lý, mạnh mẽ công khai, minh bạch trong thực hiện các thủ tục hành chính và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin.

Dù có chiều hướng giảm nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao, chúng tôi cho rằng để khắc phục điều này cần có nỗ lực của cả bộ máy chính quyền. Chúng ta cần các văn bản pháp luật có chất lượng ngày càng cao hơn, rõ ràng, ổn định hơn. Chúng ta cần hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch hơn. Chúng ta cần có đội ngũ công chức chuyên nghiệp và tinh thông nghiệp vụ hơn. Chúng ta cũng cần có cơ chế giám sát, đánh giá vận hành của bộ máy chính quyền các cấp.

- Một số quan điểm cho rằng cải cách của Việt Nam đã “đụng trần” và bước vào giai đoạn khó nhất chính là thái độ ứng xử của các công chức. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về điều này và PCI sẽ góp phần giải bài toán “đụng trần” này thế nào, thưa ông?

Báo cáo PCI của VCCI những năm gần đây có phát hiện đáng lưu ý. Đó là xu hướng hội tụ đang ngày càng rõ hơn giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam trong cải cách chất lượng điều hành. Những tỉnh phía sau trong bảng xếp hạng đang cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới chất lượng điều hành rất nhanh theo thời gian, ngược lại những tỉnh dẫn đầu trong PCI lại có xu hướng chững lại, thậm chí giảm điểm. Sự chững lại của các tỉnh nhóm trên rất đáng suy nghĩ.

Báo cáo PCI cũng cho thấy rằng hầu hết các địa phương đã thực hiện thành công các nhóm cải cách dễ như rút ngắn thời gian, công khai thủ tục, đơn giản hoá thủ tục hành chính… Nhưng còn nhiều giải pháp khó hơn như cơ chế phải minh bạch, chính sách đất đai cần thuận lợi, giải quyết tranh chấp có hiệu quả, bộ máy liêm chính, năng động… thì chưa có nhiều chuyển biến, thậm chí một số lĩnh vực đảo chiều. Một số địa phương, một số chuyên gia nhìn nhận rằng quá trình này đang “đụng trần thể chế”. Cần có một khung khổ pháp lý thuận lợi hơn, an toàn hơn không chỉ cho doanh nghiệp mà cho chính bộ máy các địa phương.

Một điều chắc chắn là khi các địa phương không có nhiều động lực, không năng động, sáng tạo thì rõ ràng đang gửi lên những tín hiệu không tích cực về quá trình cải cách mạnh mẽ từ cấp cơ sở. Đây là điều rất cần được quan tâm.

- Với PCI, Quảng Ninh nổi lên như một “ngôi sao cải cách”. Theo ông, sự trỗi dậy của "ngôi sao cải cách" này đã để lại những bài học như thế nào cho các tỉnh thành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp?

Quảng Ninh là một hiện tượng rất đáng chú ý trong thời gian vừa qua. Đây là địa phương đầu tiên thành lập và vận hành Trung tâm hành chính công tập trung trên cả nước. Đây cũng là một trong những tỉnh đầu tiên có mô hình Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư IPC trực thuộc UBND tỉnh hoạt động chuyên nghiệp và bài bản. Đây là tỉnh đầu tiên tự xây dựng đường cao tốc và triển khai mô hình hợp tác công tư hiệu quả. Đây chính là địa phương đầu tiên mà có sân bay quốc tế do tư nhân đầu tư xây dựng. Cũng ít có địa phương nào được nhắc đến nhiều như là địa phương điển hình thực hiện tốt trong hoạt báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 của Chính phủ nhiều như Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu trong việc xây dựng và công bố chỉ số đánh giá cấp sở, ngành, huyện thị DDCI bài bản và chuyên nghiệp. Thậm chí Quảng Ninh là địa phương chủ động khai thác mạng xã hội để tương tác, cung cấp thông tin và xử lý phản hồi của doanh nghiệp và người dân…

Điều mà tôi có thể thấy được từ Quảng Ninh qua kết quả các cuộc điều tra là chính doanh nghiệp ở đây rất hài lòng về bộ máy chính quyền. Những chỉ số đánh giá về chất lượng thực thi của sở, ngành hay huyện thị của Quảng Ninh đang tốt nhất cả nước. Quảng Ninh cũng là địa phương mà qua điều tra doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp có niềm tin về sự năng động, sáng tạo của chính quyền theo hướng có lợi cho hoạt động kinh doanh rất cao. Đây là địa phương mà doanh nghiệp cho rằng nếu chính sách, pháp luật Trung ương có điểm chưa rõ thì chính quyền không làm gì cả hay đợi xin được ý kiến chỉ đạo có tỷ lệ thấp nhất cả nước. Đây rõ ràng là những con số rất thuyết phục về Quảng Ninh qua cuộc điều tra PCI những năm qua.

- Vậy, theo quan điểm của ông, các lãnh đạo chính quyền địa phương cần thay đổi điều gì từ Chỉ số PCI để thực sự tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp?

Từ PCI qua nhiều năm tôi thấy rằng điều quan trọng nhất với các địa phương hiện không chỉ là ban hành chính sách, xây dựng đường lối mà điều quan trọng chính là nâng cao chất lượng thực thi. Nếu so sánh về sự cởi mở của chính sách, sự quyết liệt của chương trình kế hoạch thì thực sự rất khó đánh giá tỉnh này tốt hơn tỉnh kia. Vì thường tất cả các chính sách, chương trình hành động đều hay, đều tích cực, đều đúng định hướng. Nhưng điều quan trọng nhất hiện nay mà doanh nghiệp và nhà đầu tư trông chờ là những chính sách, chương trình đó chuyển được vào cuộc sống, thể hiện qua từng thủ tục thuận lợi, rõ ràng, nhanh chóng, thể hiện qua sự chuyên nghiệp và tinh thần hỗ trợ của các công chức mà nhà đầu tư tiếp xúc.

Khoảng cách giữa chính sách, chủ trương, đường lối và thực tiễn thực thi chính là sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố hiện nay. Nơi nào khoảng cách này gần nhất thì nơi đó thuận lợi. Chính vì vậy, từ góc nhìn của chúng tôi, ưu tiên hiện nay của các chính quyền là thúc đẩy chất lượng thực thi. Tất nhiên, để có được một văn hoá đồng hành doanh nghiệp, có được một hệ thống hành chính thuận lợi, hỗ trợ, cho doanh nghiệp thì cần phải nỗ lực rất nhiều. Từ hành động, thông điệp của những người đứng đầu, từ sự thông suốt tư duy của cả hệ thống chính quyền, chứ không chỉ ban hành một văn bản, một kế hoạch công phu là xong.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết PCI: Thước đo chất lượng điều hành thực thi chính sách tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711703961 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711703961 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10