Chúng ta đang chứng kiến, Châu Âu đề cập tới vấn đề bản quyền báo chí với Google. Đó cũng là sức ép mạnh mẽ lên báo chí truyền thống hiện nay
Trong thời gian gần đây, các siêu nền tảng đang phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động báo chí trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Các siêu nền tảng có đặc điểm chung là họ có một nền tảng ví dụ cộng đồng như Facebook, hệ sinh thái phần mềm và phần cứng như Google Android, hệ sinh thái xây dựng nội dung như YouTube.
Đổi mới cách thức làm báo
Các nền tảng này nhanh chóng phát triển trên toàn thế giới và có số lượng người đọc khổng lồ tạo ra áp lực rất lớn tới báo chí tại các quốc gia địa phương. Sau khi sở hữu một số lượng người dùng khổng lồ, các siêu nền tảng rất dễ dàng phân phối thông tin tới độc giả dễ dàng mọi lúc mọi nơi với chi phí gần như là zero.
Có thể nói các siêu nền tảng đã tạo ra những siêu báo chí hoạt động trên cả thế giới bên cạnh những sản phẩm dịch vụ và mô hình kinh doanh chính yếu của họ.
Tòa báo cần định hướng kết nối và thúc đẩy cộng dồng tác giả để kiến tạo nội dung hiệu quả trong hệ sinh thái độc giả của chính mình.
Các tòa báo truyền thống sẽ phải làm gì để cạnh tranh với các siêu nền tảng trong kỷ nguyên 4.0. Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đề cập “Tôi không thể bỏ thói quen đọc báo, xem đài, nghe đài hàng ngày dù trên mạng xã hội rất nhiều thông tin, nhưng không thể thay thế được những thông tin chính thống của chúng ta”.
Nhận xét đó vô cùng chính xác, tuy nhiên các tòa báo cần phải có những cách tiếp cận đổi mới sáng tạo thay đổi về bản chất cách thức làm báo và xuất bản báo chí. Các tòa báo cần nhìn nhận ngành báo chí như một phần của chuỗi kiến tạo thông tin nhằm có được góc nhìn toàn cảnh và chiến lược cho việc phát triển báo chí tương lai.
Chuỗi giá trị thông tin – Value Chain Information bao gồm ba phần quan trọng: kiến tạo thông tin – sản xuất thông tin và phân phối thông tin. Chúng ta có thể thấy rõ chuỗi giá trị thông tin của báo chí truyền thống bao gồm các nhà báo viết bài/kiến tạo thông tin, in báo/sản xuất thông tin và phân phối báo/phân phối thông tin. Các siêu nền tảng truyền thông như Facebook, Youtube có khả năng sản xuất rất lớn vì họ sử dụng cộng đồng người dùng kiến tạo thông tin lẫn cho nhau. Tốc độ sản xuất và phân phối thông tin diễn ra đồng thời và có phạm vi trên toàn thế giới. Kết hợp hai điểm mạnh này đã khiến cho các siêu nền tảng có những ưu thế vượt trội hơn hẳn so với các thể loại báo chí truyền thống.
Các tờ báo cần nhìn nhận các siêu nền tảng như là một thành phần trong hệ sinh thái hoặc chuỗi giá trị thông tin của chính mình. Chiến lược tiếp cận cộng sinh này có thể thực hiện trên thực tế theo các hướng:
Thứ nhất, tận dụng khả năng sản xuất và phân phối thông tin theo thời gian thực và trên diện rộng của các siêu nền tảng: Thay đổi so với thời truyền thống khi báo chí chỉ có đăng tải một bài báo sau khi được biên tập kỹ càng của tác giả thì ngày nay có thể tác giả và tòa báo sẽ đăng các ý chính của bài báo trên Facebook/siêu nền tản để trao đổi tương tác với độc giả. Sau khi tương tác với các độc giả, tác giả sẽ hoàn thành bài báo dựa trên các tương tác thông tin có giá trị và phát hành theo kênh truyền thống.
Thứ hai, đầu tư mạnh mẽ và phát triển các nội dung chiến lược: Trong thời gian gần đây, các siêu nền tảng bắt đầu tập trung hỗ trợ phát triển các nội dung. Các siêu nền tảng sau khi kiểm soát phân phối và sản xuất thông tin đã bắt đầu hướng tới kiến tạo thông tin. YouTube có các chương trình hỗ trợ cho cộng đồng các nhà sáng tạo Video. Netflix tự tiến hành sản xuất phim và phân phối trên nền tảng riêng của mình. Các tờ báo cần tập trung phát triển mối quan hệ với các tác giả viết bài tốt và sắc nét các nội dung quan trọng và chiến lược.
Thứ ba, tận dụng thế mạnh offline: Các siêu nền tảng có điểm mạnh nhất đó là tiếp cận trên toàn thế giới nhưng cũng có những hạn chế đặc biệt các hoạt động offline kết nối cộng đồng và đáp ứng các nhu cầu nội dung và hoạt động tại địa phương. Đây chính là thế mạnh tiềm năng bỏ quên của báo chí truyền thống. Các tòa báo cần tổ chức các hoạt động cộng đồng nhằm gia tăng tương tác trao đổi giữa cộng đồng tác giả, chuyên gia và độc giả.
Thứ tư, xây dựng nội dung đa phương tiện: Các tòa báo cần tiếp cận bản chất của chuỗi giá trị thông tin nhằm đa dạng hóa sản phẩm tới độc giả. Đây chính là một điểm khác biệt chiến lược rất lớn giữa các tòa báo và siêu nền tảng. Siêu nền tảng rất khó triển khai các nội dung như sách báo phim tiếp cận tới các độc giả địa phương...
Thứ năm, kết nối và xây dựng cộng đồng độc giả: Thay vì đợi độc giả tìm tới, các tòa báo cần tiếp cận chủ động tìm tới độc giả, đặc biệt các độc giả tương lai của báo. Trong thời gian học tại Thái Lan trong chương trình MBA, tác giả luôn luôn có được báo tặng của một tờ báo kinh doanh quốc tế. Thông qua chương trình tương tự như vậy, các tòa báo có thể xây dựng và gắn kết độc giả rất sớm trong vòng đời đọc báo. Các tòa báo hiện tại có thể xây dựng các chương trình kết nối với cộng đồng sinh viên để thúc đẩy các bài báo tới cộng đồng đọc tương lai.
Thứ sáu, xác thực nội dung: Một vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây chính là xác định tính chân thực của thông tin. Siêu nền tảng sử dụng phát triển nội dung mở từ cộng đồng nên xác nhận tính chân thực khó khăn. Người đọc và xã hội ngày càng đòi hỏi sự chân thực và chính trực từ thông tin. Đây là một thế mạnh của các tòa báo truyền thống vì các báo chí phải chịu trách nhiệm 100 % về những thông tin đăng tải. Giá trị chân thực của thông tin sẽ là thế mạnh nổi trội của báo chí truyền thống so với các siêu nền tảng.