Lai Châu có lịch sử hào hùng gắn với hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc với dấu ấn đậm nét của những chiến công, những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc anh em.
>>>Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam là điểm đến an toàn và tràn đầy tiềm năng hợp tác
Đó là ý kiến đánh giá của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi dự và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư các xã Khổng Lào, Mường So, Hoang Thèn của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2022), chiều 11/11.
Vui mừng, phấn khởi khi được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành, lãnh tỉnh đến tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện các hộ gia đình tiêu biểu đã chia sẻ về vai trò của người dân, nhất là người có uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm có nhiều chính sách cho các dân tộc, quan tâm đầu tư, hỗ trợ để đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới giảm nghèo bền vững.
Liên khu dân cư các xã Khổng Lào, Mường So, Hoang Thèn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có 30 khu dân cư, với 3.404 hộ gia đình, gồm 5 dân tộc: Kinh, Thái, Dao, Mông, Dáy cùng sinh sống. Nơi đây có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và chú trọng bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống: Lễ hội Nàng Han, lễ hội Then Kin Pang với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như: múa xòe Thái, múa khèn, ném còn...
Nhân dân các xã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, keo sơn; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước ở khu dân cư. Nhân dân các xã trên địa bàn luôn đồng lòng thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tích cực hiến đất, tham gia đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi...
Không những thế, đồng bào các dân tộc nơi đây đã và đang có nhiều mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; thành lập các tổ hợp tác xã liên kết trồng cây ăn quả và các loại cây có giá trị kinh tế khác.
>>>11-13/11: Hội chợ sâm Lai Châu: “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ý kiến của Phó Thủ tướng về đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng và xúc động trước tình cảm của nhân dân ba xã Khổng Lào, Mường So, Hoang Thèn trong Ngày hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới đồng bào, đồng chí những tình cảm tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sau gần 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức rộng rãi, ý nghĩa trên khắp mọi vùng, miền của Tổ quốc.
Khẳng định tinh thần, truyền thống đoàn kết là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, của Đảng, nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt để thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Và việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết là để hướng vào người dân, cộng đồng, từ đó phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao sức mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng thời kỳ, làm giàu thêm ý chí cách mạng, nâng cao sức mạnh cộng đồng, thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từ thôn, ấp, bản làng, khu dân cư, biến sức mạnh đoàn kết thành sức mạnh làm chủ của Nhân dân.
Chủ tịch nước nêu rõ gần 20 năm qua, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Qua đó củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao sức mạnh và vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới. Không chỉ đem lại giá trị tinh thần cho nhân dân, ý nghĩa lan tỏa của Ngày hội còn làm giàu ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từ thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố.
Nhắc đến vị trí địa chính trị có ý nghĩa chiến lược, là phên giậu Tổ quốc của Lai Châu, Chủ tịch nước khẳng định Lai Châu có lịch sử hào hùng gắn với hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc với dấu ấn đậm nét của những chiến công, những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc anh em trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Sau 20 năm tách tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đạt được những thành tích toàn diện. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nhận thấy những thay đổi rõ rệt của tỉnh, từ bản làng đến phố phường đều rực rỡ, tươi đẹp, đậm đà bản sắc của các dân tộc Tây Bắc. Từ xuất phát điểm khi thành lập tỉnh còn nhiều khó khăn, đến nay, đời sống của đồng bào các dân tộc tại Lai Châu đã không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; văn hóa các dân tộc được gìn giữ và phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; chính trị ổn định, đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường. Tỉnh Lai Châu đang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc - Đây chính là sự cố gắng rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở, trưởng bản, người có uy tín tiếp tục quan tâm tăng cường đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tiếp tục giáo dục truyền thống để mọi gia đình, mọi bản làng hiểu được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là phát động phong trào phát triển kinh tế để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc với sản phẩm nông nghiệp là chủ yếu tại địa bàn như chia sẻ của một số hộ dân tiêu biểu tại Ngày hội...
Với 3 xã Khổng Lào, Mường So, Hoang Thèn của huyện Phong Thổ, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền cần quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đặc biệt với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, người lớn tuổi trên tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Cán bộ xã, thôn, bản, công an xã đi sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; thực hiện tốt nếp sống văn minh, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ với cán bộ Lai Châu “Cán bộ là phải thực sự gần gũi, giúp đỡ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết”, quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bà con.
Để phát huy những kết quả tốt đẹp trong phong trào toàn dân đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển của địa phương, Chủ tịch nước đề nghị Tỉnh ủy Lai Châu chỉ đạo tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng tỉnh Lai Châu 50 nhà Đại đoàn kết trị giá 2,5 tỷ đồng; tặng quà cho huyện Phong Thổ và 3 xã Khổng Lào, Mường So, Hoang Thèn; tặng quà cho các hộ gia đình tiêu biểu.
Có thể bạn quan tâm