Điện gió ngoài khơi sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giúp Việt Nam hiện thực hóa được kế hoạch trung hòa cacbon và thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.
Tiềm năng lớn
>>Gỡ “rào cản” để phát triển… điện gió ngoài khơi
Trong bối cảnh các nguồn nguyên liệu khác phục vụ sản xuất cho ngành năng lượng đang dần cạn kiệt và trở lên đắt đỏ, thì nguồn tài nguyên từ năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được ưu tiên phát triển bởi dư địa khai thác còn lớn ở Việt Nam. Trong đó có nguồn năng lượng từ điện gió, mới khai thác ở tỷ lệ khiêm tốn.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia có cơ hội phát triển về lĩnh vực điện gió rất lớn, có thể đạt trên 500 GW, trong đó trên đất liền là 42 GW và điện gió ngoài khơi là 475 GW ở các vùng biển cách bờ tới 200 km.
Về lợi ích, điện gió có mức phát thải cacbon thấp nhất so với các nguồn điện khác như than, dầu, khí, hạt nhân, thủy điện, điện mặt trời. Cụ thể điện gió trên bờ chỉ 9 g/kWh, điện gió ngoài khơi 16 g/kWh, trong khi đó, điện than là 1050 g/kWh, gấp gần 116 lần so với điện gió. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, lĩnh vực điện gió còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển và đặc biệt năng lượng gió còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, tính đến 30/10/2021, đã có tổng cộng 84 dự án kịp vận hành thương mại toàn bộ hoặc một phần dự án với tổng công suất lắp đặt nguồn điện gió của toàn quốc là xấp xỉ 4GW. Từ đó đến nay, trong thời khắc chờ Bộ Công Thương ban hành cơ chế giá đấu thầu, các dự án điện gió đã đăng ký tiếp tục được hoàn thiện và các dự án mới cũng liên tục được đề xuất. Các dự án điện gió đi vào vận hành đã giúp giảm thiểu hàng triệu tấn cacbon phát thải.
Theo báo cáo “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới công bố trong năm 2021 thì Việt Nam có thể trở thành quốc gia có ngành điện gió ngoài khơi với kịch bản cao nhất lên tới 70 GW đến 2050 thành công với giá thành sản xuất điện thấp, giảm thiểu hàng tỷ tấn cacbon, nội địa hóa đến 70%, công suất điện có thể đạt 35% trong hệ thống điện của Việt Nam.
Còn theo Cơ quan năng lượng Đan Mạch, Việt Nam có tiềm năng hoàn toàn khả thi là 162 GW; trong đó 132 GW điện gió ngoài khơi ở khu vực độ sâu đáy biển dưới 50 m và 30 GW dùng công nghệ móng nổi.
Vì vậy, các Tổ chức này kiến nghị Việt Nam nên tăng công suất đặt điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 10 GW để phù hợp với điều kiện và quy mô đủ lớn cũng để thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Cần ưu tiên phát triển
>>Nghịch lý điện gió
Theo Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), phiên bản tháng 4/2022, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung lên 16GW công suất điện gió trên bờ và gần bờ, 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và sẽ đạt 122GW tổng công suất điện gió đến năm 2045, trong đó, điện gió ngoài khơi đạt 66GW.
Riêng điện gió ngoài khơi, theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm, như vậy để đạt được các mục tiêu đó, ngay lúc này cần kịp thời có quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường để các dự án đăng ký kịp thời gian hoàn thiện. Bởi một dự án điện gió ngoài khơi cần 7-10 năm để hoàn thành các khâu khảo sát, đánh giá tác động môi trường, đo gió, nghiên cứu địa chất, thiết kế trang trại điện gió, sản xuất các cấu phần, xây dựng và lắp đặt.
Về tài chính thực hiện, theo các chuyên gia Việt Nam đang cần lượng vốn đầu tư khoảng 128 tỷ USD đến năm 2030 vào nguồn điện và lưới điện. Việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi còn là kênh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành điện lực-công nghiệp nói riêng.
Đánh giá về chi phí thực hiện, tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết; đo gió ngoài khơi tiêu tốn một khoản tài chính rất lớn, khoảng 2 triệu USD. Đó là chưa kể chi phí cho các thủ tục hành chính, khảo sát khác, nếu tính tổng cộng để hoàn thiện 01 dự án điện gió kinh phí có thể lên tới 15 triệu USD.
Để thúc đẩy lĩnh vực điện gió phát triển như một ngành công nghiệp mới, ông Toán đề xuất, các cơ quan Nhà nước quản lý về biển và năng lượng sớm phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể và dài hạn, tạo điều kiện về thị trường cho điện gió ngoài khơi cũng như các hoạt động liên quan như ngành hàng hải, an ninh quốc phòng, các khu bảo tồn biển, ngư trường, kết hợp các ngành kinh tế hướng biển khác.
Các vùng, địa phương ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi cũng cần sớm công bố quy hoạch để có định hướng đầu tư khảo sát, nghiên cứu khả thi, báo cáo tác động môi trường. Cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư điện gió nếu có thể hợp tác, lập ra quy tắc chung về chia sẻ thông tin cũng sẽ giúp giảm bớt thời gian, nguồn lực tài chính cho giai đoạn khảo sát. Bởi khi tham gia đấu thầu, bất cứ hồ sơ thầu nào cũng cần có đầy đủ số liệu đo đạc kỹ thuật.
Nếu đưa ra được một khung chính sách pháp luật ổn định và hấp dẫn, với tầm nhìn tối thiểu là 10 năm tiếp theo, thì các đơn vị phát triển sẽ xây dựng được các trang trại gió ngoài khơi cung cấp điện năng với chi phí thấp và không phát thải carbon, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.
“Các khung chính sách và quy định này đã tạo ra các quy trình vững chắc, minh bạch và kịp thời về cho thuê đáy biển và cấp phép dự án. Đồng thời, các đơn vị phát triển cũng xem xét cần đầu tư gì vào lưới điện và cơ sở hạ tầng khác để có được một danh mục dự án tiềm năng lâu dài. Qua đó, điện gió ngoài khơi có thể thu hút vốn cạnh tranh bằng cách đưa ra một lộ trình ổn định và hấp dẫn cho lượng điện mà các dự án sản xuất ra”- Các chuyên gia đề xuất.
Bài 2: Cần chính sách nhất quán, dài hạn
Có thể bạn quan tâm
Bến Tre khánh thành Nhà máy điện gió số 5 -Thạnh Hải
11:33, 01/07/2022
Gia Lai: Tạm dừng 134 dự án điện gió, điện mặt trời chờ quy hoạch điện 8
11:38, 22/06/2022
Gỡ “rào cản” để phát triển… điện gió ngoài khơi
15:00, 11/06/2022
Hải Phòng: Bitexco sắp đầu tư 11 tỷ USD điện gió vào Bạch Long Vỹ
01:40, 10/06/2022
Net Zero ở Việt Nam và vai trò điện gió ngoài khơi
11:00, 23/12/2021
Hải Phòng: Đề nghị bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi
01:30, 07/12/2021
Quy hoạch điện VIII: Điện gió ngoài khơi ở đâu?
08:00, 04/10/2021