Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển

PHƯƠNG THANH 23/08/2022 11:00

Để phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần sớm hoàn thiện các quy hoạch như quy hoạch không gian biển, phân vùng không gian biển và các quy định hiện hành.

>>Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 2: Cần chính sách nhất quán và dài hạn

Để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã có bước tiến mới, trong việc giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới chưa có trong quy hoạch. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo được xem là khả thi nhất do giá thành rẻ, trong đó điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu chuyển dịch năng lượng.

Quy hoạch không gian biển quốc gia, cần tính toán một cơ cấu kinh tế biển hợp lý sao cho mang lại những giá trị cao nhất

Quy hoạch không gian biển quốc gia, cần tính toán một cơ cấu kinh tế biển hợp lý sao cho mang lại những giá trị cao nhất

Cần điều chỉnh các quy định hiện hành

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần sớm hoàn thiện các quy hoạch như quy hoạch không gian biển và phân vùng không gian biển là quy hoạch khung, mang tính định hướng làm cơ sở để các ngành, các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết cho các mục đích sử dụng biển cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn do các quy định hiện hành ở Việt Nam chưa phù hợp với xu thế phát triển ngành công nghiệp này.

Cụ thể như vấn đề khảo sát, ông Stuart Livesey - Tổng Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Giám đốc quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam cho biết: bất cập là việc cho phép nhiều đơn vị phát triển dự án cùng thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi trên cùng một khu vực biển. Điều này chưa phù hợp với kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi quốc tế. Bởi lẽ, hầu hết Chính phủ các nước đã phát triển thành công ngành điện gió ngoài khơi chỉ cho phép một nhà đầu tư thực hiện các hoạt động khảo sát ngoài khơi tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định.

“Điều này để bảo đảm những cam kết dài hạn, nghiêm túc từ phía các nhà đầu tư dự án có năng lực, ở hoạt động khảo sát, việc “giao thoa, chồng lấn” liên quan đến đặc quyền khảo sát cần làm rõ hơn” - ông Stuart Livesey nhấn mạnh.

Theo đó các nhà đầu tư cũng cho rằng khảo sát điện gió ngoài khơi, cần thực hiện quy định như khảo sát dầu khí, cần xem xét năng lực nhà đầu tư uy tín, mỗi nhà đầu tư chỉ được khảo sát ở một lô nhất định, bởi chi phí khảo sát cho dự án điện gió cũng vô cùng tốn kém.

Việt Nam có thể đạt 475 GW điện gió ngoài khơi ở các vùng biển cách bờ tới 200km.

Việt Nam có thể đạt 475 GW điện gió ngoài khơi ở các vùng biển cách bờ tới 200km.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng kiến nghị Việt Nam nên bổ sung thêm điện gió ngoài khơi vào quy hoạch, cần mở rộng diện tích khu vực biển cho nhà đầu tư khảo sát, không nên quá giới hạn, bởi tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là rất lớn.

Cũng theo đại diện dự án La Gàn, khi đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, các khâu từ lựa chọn dự án, khảo sát, đầu tư xây dựng đều rất phức tạp và cần nguồn vốn lớn. Tất cả các công việc đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện trước năm 2030 và phải làm tuần tự; cùng đó là các nghiên cứu địa kỹ thuật, tác động môi trường, sinh vật biển...phục vụ cho xây dựng. Do vậy, để tránh các rủi ro tiềm ẩn, Việt Nam cần sớm có các quy hoạch liên quan, hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp định hướng đầu tư và triển khai.

Xây dựng quy hoạch cần hài hòa lợi ích các bên

>>Điện gió ngoài khơi, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững

Trong đó phải nhắc đến quy hoạch không gian biển (QHKGB), ông Stuart Livesey cho biết: Chúng tôi nhìn nhận QHKGB là một công cụ rất hữu ích giúp định hướng phát triển ngành điện gió ngoài khơi trong việc kết hợp hài hòa với các hoạt động khác trên môi trường biển (như dầu khí, quốc phòng và an ninh quốc gia, du lịch và giải trí, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác tổng hợp,…).

Theo đó, “khi xây dựng quy hoạch không gian biển, đại diện cơ quan Nhà nước chủ trì trực tiếp phối hợp kết nối với các nhà phát triển điện gió ngoài khơi và các đơn vị/cá nhân sử dụng biển khác để cùng kiểm tra các hoạt động biển nào có thể được thực hiện là vô cùng hữu ích. Bởi một dự án điện gió ngoài khơi sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động biển khác cũng diễn ra trên cùng một khu vực.

Do đó việc tham gia đối thoại để xem xét hài hòa lợi ích cho các bên cùng sử dụng khu vực biển và xác định những hoạt động nào có thể cùng thực hiện với nhau là rất quan trọng.” Ông Stuart Livesey đề xuất

Theo các chuyên gia, phát triển điện gió ngoài khơi, là chúng ta đang thực hiện đúng chủ trương phát triển năng lượng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55). Nghị quyết 55 có nhiều chính sách đột phá phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.

Nghị quyết 55 khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.

Trước đó đưa ra quan điểm về đề tài này tại Hội thảo "Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam" do Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức vào chiều 2/6/2022, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, về khung pháp lý, điện gió ngoài khơi có chu trình đầu tư khác biệt nhiều so với điện gió trên bờ, phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thuộc cấp tỉnh, trên 6 hải lý phải cấp cao hơn. Mà để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi mất từ 7-8 năm, như vậy thời điểm này phải bắt tay vào triển khai mới có thể đạt được mốc quy hoạch đến năm 2030. Các công việc cần làm là Quy hoạch Điện VIII sớm được phê duyệt, hiện Bộ đã trình lại Thủ tướng Chính phủ dự thảo quy hoạch.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện gió ngoài khơi, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững

    Điện gió ngoài khơi, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững

    11:30, 18/08/2022

  • Hải Phòng: Đẩy nhanh các thủ tục thực hiện Dự án điện gió ngoài khơi

    Hải Phòng: Đẩy nhanh các thủ tục thực hiện Dự án điện gió ngoài khơi

    00:50, 08/08/2022

  • Liên danh T&T và Orsted đầu tư điện gió ngoài khơi tại Thái Bình

    Liên danh T&T và Orsted đầu tư điện gió ngoài khơi tại Thái Bình

    10:24, 03/08/2022

  • Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 2: Cần chính sách nhất quán và dài hạn

    Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 2: Cần chính sách nhất quán và dài hạn

    05:00, 26/07/2022

  • Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 1: Ưu tiên phát triển để thúc đẩy ngành công nghiệp

    Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 1: Ưu tiên phát triển để thúc đẩy ngành công nghiệp

    03:50, 25/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO