Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long tại Diễn đàn “Hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
>> PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Cần sớm hoá giải các thách thức
Thông tin tại Diễn đàn, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, phát triển điện khí LNG được xác định là giải pháp “xanh” trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại nước ta, tuy nhiên, nguồn điện này cũng đang gặp phải không ít thách thức để phát triển.
Theo ông Long, tiêu thụ khí của điện rất thấp, năm sau thấp hơn năm trước khi điện khí thường xuyên không được ưu tiên huy động. Năm 2023, dự kiến tiêu thụ khí của điện giảm khoảng 18% so với năm 2022 và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024, ảnh hưởng đến sản xuất, đưa khí về bờ. Tổng lượng khí về bờ của PV GAS trong năm 2024 dự báo chỉ khoảng 6,3 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 7,7 tỷ m3 của năm 2023. Cùng với đó, các cơ chế để cung cấp LNG cho điện hết sức khó khăn, dự báo trong năm 2024 vẫn chưa thể bán được LNG cho điện…
Khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh… Đặc biệt, thách thức lớn nhất là đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA), việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép… (trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành). Chi phí cao, vì là nguồn khí an toàn, được nhiều quốc gia sử dụng nên giá LNG cũng khá cao. Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này.
Cũng theo ông Long, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi, giá LNG biến động thất thường và vì thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Giá khí hoá lỏng LNG đã tăng rất mạnh thời gian qua, giá nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và EVN, do EVN phải mua điện giá cao và bán điện giá rẻ. Giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên gặp khó khăn trong tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm, chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án…
Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo quy hoạch điện VIII, thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơn để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo.
“Các doanh nghiệp bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng. Do đó, phát triển điện khí phải theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của nhà nước”, ông Long bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Sáu nhóm giải pháp hiện thực hoá mục tiêu
14:42, 07/12/2023
[TRỰC TIẾP] Hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII
14:08, 07/12/2023
PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Cần sớm hoá giải các thách thức
13:58, 07/12/2023
Khơi thông nguồn lực cho điện khí LNG: Cơ chế đặc thù cho điện khí LNG
11:00, 07/12/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 06/12: Khơi thông nguồn lực cho điện khí LNG
04:09, 06/12/2023