Ngành du lịch sớm phục hồi trở lại là điều cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đặt nhiều kỳ vọng, trong đó nhiều đơn vị cũng đã đặt mục tiêu mới để tạo đà bứt phá.
Tính đến hiện tại, ngành du lịch đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố kết hợp. Các quy định về phòng, chống dịch dần được cởi mở, số ca nhiễm giảm, mức độ phủ vaccine rộng và cơ chế “mở cửa bầu trời” cũng đã được thông qua,... Những yếu tố trên đã mang lại tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch cũng như sự hứng khởi cho toàn thể doanh nghiệp và người lao động.
Trên công cuộc khôi phục du lịch, các doanh nghiệp hiện nay đã tái khởi động toàn bộ sản phẩm, dịch vụ để chờ ngày khách đến. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2022 phần lớn các đơn vị sẽ phục vụ khách quốc tế đi theo các nhóm lẻ. Ước tính đến năm 2023, khách quốc tế mới đi theo những đoàn lớn và đó chính là thời điểm du lịch bùng nổ trở lại.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhận định việc mở cửa du lịch trở lại là một tín hiệu cực kỳ tốt cho ngành du lịch. Sau khi tiếp nhận thông tin chính thức này cộng đồng doanh nghiệp đã tự tin cần phải “setup” lại bộ máy và cần phải có chiến lược cụ thể.
“Muốn mở cửa, phục hồi trở lại thì chúng ta kỳ vọng vào những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 mới có lượng khách đủ lớn để vận hành toàn ngành du lịch chứ không phải ngay bây giờ. Chúng ta rất khó đạt được hiệu quả khi vừa tung ra sản phẩm marketing rồi thu được lượng khách đến ngay, do đó đây là lúc các doanh nghiệp cần mạnh dạn mở cửa, đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thực tế”, ông Phan Xuân Thanh nói.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, vấn đề hiện tại là các doanh nghiệp vẫn cần làm mới các sản phẩm, trong đó hướng đến chiều sâu của sản phẩm mang lại giá trị bền vững. Vị này cho rằng, làm du lịch hiện nay cần phải tôn trọng môi trường hơn, quý tài nguyên thiên nhiên hơn và xen lẫn vào đó là phát huy giá trị văn hóa bản địa.
“Chúng ta đi du lịch chúng ta "chừa" đất cho thú ở, "chừa" chỗ cho di sản “thở” cũng đã là mới. Trong công cuộc phục hồi này, chúng ta hướng tới đà phát triển bền vững hơn là phát triển nhanh, ồ ạt”, ông Thanh nói thêm.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist cho biết việc phục hồi du lịch trong thời gian tới chắc hẳn sẽ còn nhiều thách thức. Ông Yên cho rằng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và các dòng sản phẩm khám phá văn hóa - lịch sử tại khu vực miền Trung đang được tập trung hoàn tất theo các gói ngày tour phù hợp với từng thị trường.
“Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào việc phục hồi du lịch nội địa và du lịch MICE trước khi khách quốc tế trở lại với số lượng lớn. Đối với lĩnh vực khách quốc tế, khi bắt đầu làm việc trở lại thì nhiều doanh nghiệp đã phá sản do đó việc liên kết gặp nhiều trở ngại. Khi công bố sản phẩm với các đối tác phía doanh nghiệp phải cập nhật thông tin mới, báo giá thuận tiện hơn cho nhu cầu của các thị trường”, ông Yên cho hay.
Ông Lê Hùng Anh – Tổng Giám đốc Travelner thông tin, để thu hút khách đến với Việt Nam phía đơn vị đã có nhiều chính sách ưu đãi như miễn phí bảo hiểm COVID-19 (50-200 USD) và giá thành vẫn không chênh lệch nhiều so với các đơn vị khác. Đặt nhiều kỳ vọng vào lần mở cửa du lịch này, ông Lê Hùng Anh đã bắt đầu chiến lược marketing, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch trên nhiều phương tiện khác nhau phát hành trên toàn cầu.
“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc là Việt Nam mở cửa du lịch thì khách nước ngoài đi vào rất dễ dàng nhưng khi đi về lại phải cách ly. Việc mở cửa không đồng bộ giữa các quốc gia đã mang lại sự bất lợi cho du khách. Trong thời gian đầu, các công ty du lịch cần chú trọng đến thị trường outbound vì về Việt Nam sẽ không phải cách ly tạo nên sự thuận tiện trong tham quan, nghỉ dưỡng”, ông Lê Hùng Anh chia sẻ.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động du lịch, Tổng cục du lịch cho hay các Bộ, ngành liên quan cũng đã lên phương án hỗ trợ trong thời gian tới. Trong đó, các cấp sẽ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó là doanh nghiệp nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể.
Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch nhận dịnh thời gian tới ngành du lịch sẽ tiếp tục năng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, các địa phương cần tận dụng mọi cơ hội, đón đầu xu hướng để hành động đạt được kết quả vượt bậc hơn so với cột mốc 5,5 triệu lượt khách quốc tế đã đặt ra.
Có thể bạn quan tâm