Việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn còn chậm, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.
Thái Bình không chỉ nổi tiếng với quê “lúa”, mà nổi bật với những bãi biển thơ mộng, các địa điểm lịch sử với vô vàn đặc sản hấp dẫn, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm khám phá cho du khách.
Thế mạnh của du lịch Thái Bình là du lịch văn hóa. Các lễ hội trong tỉnh là một điểm nhấn của du lịch văn hóa. Đến du lịch Thái Bình không chỉ chiêm ngưỡng không gian văn hóa kiến trúc của những ngôi đền chùa cổ kính nổi tiếng, du khách còn có thể khám phá nét văn hóa lễ hội hấp dẫn nơi đây.
Bên cạnh đó, địa phương có 53km bờ biển thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng, với nhiều bãi ngang rộng có các cồn nổi như cồn Vành, cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, là tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển.
Được biết, toàn tỉnh Thái Bình hiện nay có 9 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 12 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, 129 hướng dẫn viên bao gồm: 80 hướng dẫn viên quốc tế, 41 hướng dẫn viên nội địa, 8 hướng dẫn viên tại điểm. Trong 6 tháng qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện cấp, cấp đổi 16 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 6 thẻ nội địa; thẩm định 4 cơ sở lưu trú và 1 thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình – Trương Thị Hồng Hạnh: Phát triển du lịch đạt tốc độ nhanh, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Thái Bình trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng về văn hóa, sinh thái và biển, có thương hiệu, mang bản sắc văn hoá của Thái Bình, thân thiện với môi trường.
Theo chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thái Bình đã xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp thu hút khách du lịch, tăng tỷ trọng khách lưu trú, tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Bảo đảm tốc độ tăng trưởng trung bình: Khách quốc tế: 10 - 12%/năm (2021 - 2025) và 8 - 10%/năm sau năm 2025; Khách nội địa: 13 - 15%/năm (2021 - 2025) và 10 - 12%/năm sau năm 2025; Đến năm 2025 đón được khoảng 1.650 nghìn lượt khách, trong đó có 12 nghìn lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón được 2.416 nghìn lượt khách, trong đó có 16 nghìn lượt khách quốc tế.
Theo đánh giá của nhiều du khách, Thái Bình rất có tiềm năng và lợi thế để phát triển dịch. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc kích cầu du lịch trên quê lúa Thái Bình còn chậm, chưa có sự đột phá rõ nét. Hiện nay, Thái Bình có gần 400 cơ sở lưu trú với hơn 5.000 phòng, mới chỉ có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao. Thái Bình còn lúng túng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến. Có một thực tế, sản phẩm du lịch của địa phương không nhiều, chưa đủ sức hấp dẫn và khó thu hút được du khách.
Ông Vũ Văn Quỳnh – GĐ doanh nghiệp Vàng bạc Đức Quỳnh cho biết: các điểm thăm quan, trải nghiệm ở đây chỉ có tính chất mùa vụ, chưa có sự liên kết với nhau thành những tour, tuyến rõ ràng; dịch vụ đi kèm tại các điểm du lịch còn đơn điệu, nghèo nàn.
Tỉnh chưa khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng du lịch của mình. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu của phát triển. Chất lượng tăng trưởng thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ rất thấp, mức chi tiêu của khách du lịch còn rất hạn chế. Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu đa dạng và ít được đổi mới, chưa thực sự tạo được sức hút đối với du khách, cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ….
Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế - xã hội từ du lịch mang lại chưa cao, chưa tạo động lực để thúc đẩy, lôi cuốn người dân sở tại (ở các địa phương có điểm di tích, du lịch) nhập cuộc, cùng làm du lịch với chính quyền….VD: Thái Bình có làng vàng bạc Đồng Xâm. Nhiều sản phẩm được trạm trổ bằng tay rất kỹ xảo, nhưng địa phương chưa biết phối hợp để quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
Dưới góc nhìn của công ty lữ hành, bà Trần Thị Hương cho rằng, nếu chỉ có tiềm năng mà dịch vụ liên quan chưa đến được với du khách thì rất khó. Hiện nay đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm còn thiếu và yếu, thiếu các cơ sở lưu trú, kết nối tour tuyến chưa được chú trọng…
Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Thái Bình cần nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để phát triển du lịch.
Địa phương nên tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có kỹ năng, chuyên môn về du lịch; đẩy mạnh công nghệ thông tin cho công tác quảng bá du lịch.
Điều quan trọng nhất, Thái Bình cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ, lựa chọn một số sản phẩm du lịch chủ đạo để tập trung phát triển như sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn…
Ông Nguyễn Nam Phương – PGĐ Vietravel HP: Để tiềm năng du lịch được khai thông thì phải đẩy mạnh liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, nhất là với thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... trên cơ sở hợp tác các bên cùng có lợi, trong đó có những nội dung như kết nối tour, tuyến du lịch, liên kết trong công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình: 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh ước đạt 320.000 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng lượng khách quốc tế ước đạt 2.000 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 370 tỷ đồng. Tuần du lịch tỉnh diễn ra từ ngày 25/6 – 2/7 gồm nhiều sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch đặc sắc, với điểm nhấn là màn trình diễn khinh khí cầu bay trang trí, trình diễn múa rối nước, các chương trình nghệ thuật đã thu hút khoảng 100.000 lượt khách.
Thời gian tới, ngành du lịch của tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; phối hợp vận hành, nâng cấp Cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động và tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ du lịch…
Để đạt được các chỉ tiêu cơ bản trong định hướng phát triển của ngành du lịch Thái Bình đến năm 2030, vấn đề đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, phương tiện vận chuyển khách, các cơ sở đào tạo, tuyên truyền quảng bá giữ vai trò hết sức quan trọng.
Được biết, tổng nhu cầu đầu tư toàn giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 8.000 tỷ đồng, từ đó sẽ tạo nền tảng để thu hút du lịch trên địa bàn.