“Miếng bánh” vận tải hàng hóa quốc tế bằng đường hàng không được đánh giá rất tiềm năng. Nhưng các doanh nghiệp Việt liệu có chớp được thời cơ vàng này?
>>VUAir Cargo - Hãng hàng không hàng hoá đầu tiên của Việt Nam
Giống như vận tải biển, thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 20%.
Thua trên sân nhà
Ông Nguyễn Trung Thành – chủ cơ sở Đông y Đông Á (dongydonga.com) trú tại Hải Phòng là khách hàng “ruột” của Công ty TNHH TM và tiếp vận quốc tế SVN. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông Thành gửi đi vài trăm kg cho đến cả tấn hàng bằng đường hàng không từ TP.HCM – Hải Phòng và ngược lại qua dịch vụ của SVN (đối tác vận chuyển của hàng không Vietjet hoặc Vietnam airlines). Theo bảng giá cước hiện tại, thì mỗi đơn hàng dưới 5kg, ông Thành phải chi phí giá cước từ 50 – 100 nghìn đồng/kg (tùy thuộc lô hàng), hoặc 35.000đ/đơn hàng từ 6 – 50kg.
“Nhiều khi do yêu cầu của khách hàng hoặc đặc thù mặt hàng cần phải vận chuyển nhanh bằng đường hàng không nên giá cước cao chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Chính vì giá cước vận chuyển bằng máy bay cao cao nên lợi nhuận của đơn hàng giảm hơn nhiều so với gửi bằng xe ô tô. Chưa kể, nếu mặt hàng không phải độc quyền vùng miền thì sẽ rất khó cạnh tranh tại chỗ vì chúng tôi phải chi phí vận chuyển quá cao” – ông Thành chia sẻ.
Ở một tình huống éo le khác, Công ty cổ phần Gemix Việt Nam là chuyên xuất khẩu trái cây tươi từ Việt Nam sang Thụy Sĩ. Thế nhưng, quốc gia Tây Âu này không có biển cho nên việc vận chuyển hàng hóa sang nước này bằng đường biển gần như không thể. Trong khi đó, Việt Nam – Thụy Sĩ chưa có đường bay thẳng nên hành trình của nông sản Việt rất gian nan.
“Chi phí vận chuyển quả tươi bằng đường hàng không là khoảng 15 USD/kg nhưng phải chuyển qua nước thứ ba nên chi phí đội lên, doanh nghiệp vì thế mà chỉ xuất được số lượng nhỏ. Trong khi giá cước hàng không của Thái Lan luôn rẻ hơn Việt Nam ít nhất khoảng 30%, họ lại có chuyến bay thẳng sang Thụy Sĩ nên chỉ tính riêng vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp Việt đã thua Thái Lan”, ông Lê Vương Quốc - Giám đốc Công ty cổ phần Gemix Việt Nam cho biết.
Thiếu và yếu, vận chuyển hàng không quốc tế đã rơi vào tay các hãng hàng không nước ngoài. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam có 6 hãng hàng không đang khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng. Thị trường hàng hóa quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 chỉ chiếm khoảng 11% tổng thị phần hàng hóa quốc tế.
>>IPP Air Cargo góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics hàng không Việt Nam
Cựa quậy cất cánh
Theo ông Đào Trọng Khoa – PCT Hiệp hội Logistics Việt Nam, logistics hàng không đóng vai trò rất quan trọng, dù ở Việt Nam chỉ vận chuyển khoảng 2% số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng có giá trị hơn 25% tổng giá trị do đối tượng vận chuyển là hàng hóa có giá trị cao như hàng thời trang, điện thoại, điện tử, hàng tươi sống, hàng mẫu...
Logistics hàng không có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng chưa khai thác hết tiềm năng. Thông thường, mức tăng trưởng của ngành hàng không sẽ ở mức 1,5 lần so với mức tăng của GDP và với Việt Nam thì thị trường logistics, trong đó có logistics hàng không có mức tăng trưởng khoảng 14-16%/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt chưa nắm bắt được cơ hội do thị trường mang lại, và các doanh nghiệp logistics hàng không nước ngoài đang nắm ưu thế trong lĩnh vực này.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), logistics hàng không của Việt Nam từ 2015 - 2035 có thể đạt mức 6,7%/năm, cao hơn mức 3,9%/năm của thế giới và 4,6%/năm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương bởi các hiệp định thương mại tự do được ký kết giúp lưu lượng hàng hóa gia tăng.
Việt Nam đang có 6 hãng hàng không được cấp phép, nhưng chưa có hãng nào khai thác đội bay chuyên dụng cho hàng hóa. Việc ra đời những hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa quốc tế đang đòi hỏi cấp thiết. Trong khi đó, IPP Air Cargo - hãng hàng không chuyên biệt về hàng hóa của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn đang trong quá trình chờ các ngành chức năng cấp phép.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm
Logistics với thương mại điện tử trong thời đại số
11:36, 10/10/2022
“Đi chợ” container quốc tế trên sàn TMĐT logistics của người Việt
13:30, 05/10/2022
Kho cao tầng: Giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp logistics
12:14, 05/10/2022
Gỡ bỏ "rào cản" cho doanh nghiệp logistics trong vận tải xuyên biên giới
00:44, 04/10/2022
Doanh nghiệp logistics có thể không có “mùa cao điểm”
15:15, 26/09/2022
Phó Chủ tịch AFFA: ASEAN cần liên kết hợp tác để phát triển logistics
03:00, 19/09/2022