Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện.
Để hỗ trợ và khuyến khích phong trào khởi nghiệp thì việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương trên cả nước một cách có hiệu lực, liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện.
Để ghi nhận những đổi mới sáng tạo của nhiều tỉnh thành trong việc huy động và liên kết nguồn lực triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, ba năm qua, VCCI liên tục tổ chức bình chọn và vinh danh địa phương tiêu biểu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Hoạt động bình chọn nhận được sự phối hợp hiệu quả của Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT cùng các tổ chức hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, các trường đại học/cao đẳng, cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước.
Từ thực tiễn vinh danh các địa phương đạt danh hiệu cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp hoạt động hiệu quả rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh thành. Trước tiên, đó là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, thể hiện ở việc ban hành chính sách, kiến tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Tỉnh thành địa phương cần có lãnh đạo chuyên trách, chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương.
Tiếp đến là yếu tố con người trong các thành tố cấu thành (các bên tham gia) hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST như tổ chức hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp vốn, các trường đại học, tổ chức đào tạo, dạy nghề, các công ty tư vấn, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ….
Khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương, từ các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng đầu tư, các mạnh thường quân và nguồn hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động khởi nghiệp; Yếu tố quy mô thị trường thể hiện khả năng trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ được các doanh nghiệp khởi nghiệp đưa ra thị trường, hoặc có sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu, số lượng thương vụ liên kết doanh nghiệp khởi nghiệp với SMEs/ Corp/Gov…cũng là những yếu tố đánh giá quan trọng.
Ngoài ra, các hoạt động, sự kiện để đánh giá khả năng hợp tác, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực (diễn đàn, hội thảo, phát động cuộc thi khởi nghiệp/ươm tạo ý tưởng/kết nối đầu tư/thương mại hóa sản phẩm thông qua sự kiện Demo Day) là cần thiết.
Có thể nói, đánh giá hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST chính là ở số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, số lượng doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định và thành công, giải quyết được những vấn đề của thị trường, của địa phương, cộng đồng và xã hội. Từ thực tiễn triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp những năm qua, cần xem xét, chú trọng một số các nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST cần phải chú trọng việc thúc đẩy ứng dụng thành quả nghiên cứu khoa học - công nghệ và áp dụng ĐMST trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tạo lập các doanh nghiệp khởi nghiệp ở các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, gắn với tài nguyên bản địa, nguồn lực, giá trị văn hóa, con người nơi đó nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và giá trị mới. Giữa các tỉnh cần có sự liên kết hợp tác, huy động để có thể bổ sung cho nhau các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, mở rộng cơ hội và thỏa thuận cơ chế chia sẻ nguồn lực trong vùng, tạo liên kết vùng, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia.
Thứ hai, đặt doanh nghiệp làm trọng tâm và hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ thực tế, trong đó, hỗ trợ bằng vốn mồi hợp lý, các hình thức hỗ trợ lãi suất và cơ hội tham gia dự án cụ thể, theo nguyên tắc thị trường, để các bên liên quan và các nhà đầu tư có thể tham gia rộng rãi. Các dự án mở rộng ngành nghề kinh doanh, tái cơ cấu hoặc đầu tư mới của các doanh nghiệp hiện hữu cũng cần đươc coi là dự án khởi nghiệp và cần có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ.
Thứ ba, lãnh đạo của tỉnh, thành phố cần quan tâm chỉ đạo hoạt động kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các tổ chức hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng và với các doanh nghiệp lớn. Sự phối kết hợp với các hiệp hội ban ngành doanh nghiệp TW, VCCI cùng mời gọi nhiều doanh nghiệp lớn/tập đoàn tại địa phương, khu vực và các thành phố lớn để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội được tiếp cận, học hỏi, gọi vốn, thậm chí trở thành đối tác.
Thứ tư, hỗ trợ đào tạo đội ngũ cố vấn/huấn luyện viên địa phương đủ năng lực để tham gia dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp cần cố vấn địa phương vì hơn ai hết họ hiểu văn hóa kinh doanh ở khu vực và họ sẽ có những giải pháp hỗ trợ phù hợp nhất cho dự án.
Thứ năm, thu hút các thế hệ doanh nghiệp đi trước ở địa phương cùng tham gia hỗ trợ, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần đóng góp cho cộng đồng của các doanh nhân thành công để hỗ trợ các thế hệ doanh nghiệp đi sau...
Có thể bạn quan tâm