Bên hành lang Quốc hội, một số ĐB cho rằng cần tạo cơ chế nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong công nghiệp cảng biển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Cần cơ chế ổn định
Đánh giá về tiềm năng của kinh tế biển Việt Nam, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, Việt Nam có trên 3000km bờ biển, vị trí biển của chúng ta lại nằm ở trọng điểm luồng hàng hải quốc tế, như các nước Đông Nam Á với các nước Thái Bình Dương, thậm chí cả luồng Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.
Theo ĐB Cường, phát triển về kinh tế biển là rất quan trọng, trong đó ngành dịch vụ hậu cần về kinh tế biển là yếu tố đóng vai trò quyết định, tập trung chủ yếu ở các cảng biển. Chính vì vậy muốn khai thác kinh tế biển thì chúng ta phải phát triển kinh tế hậu cần, đầu tư hệ thống hạ tầng cảng biển để đưa vào khai thác kinh doanh lợi thế từ kinh tế biển.
“Việc đầu tư đó không nhất thiết phải là đầu tư từ nhà nước, mà có thể kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư và khai thác kinh doanh”, ĐB Cường nói.
Để làm được, theo ĐB Cường cần thực hiện 2 giải pháp lớn, đó là thực hiện quy hoạch tổng thể về hệ thống cảng biển bao gồm hệ thống cảng lớn mang tầm quốc tế, giữa các cảng địa phương có sự kết nối với nhau, hỗ trợ với nhau và không có sự cạnh tranh. Khi đó, mỗi một cảng biển được phát triển đều có chức năng và các dịch vụ đi kèm theo.
Bên cạnh đó, mỗi một cảng biển cũng cần hình thành các hệ thống trung tâm dịch vụ cảng biển, như hệ thống dịch vụ logistics, chung chuyển để phân phối hàng hóa dịch vu, hậu cần, đóng tàu, sửa chữa tàu biển hoặc dịch vụ về đời sống của khu vực cảng biển,…
Cũng theo ĐB Cường, để thực hiện được hệ thống trên, cần có chính sách để khi các nhà đầu tư vào sẽ được ưu đãi, có khả năng đầu tư trong cả hệ thống dịch vụ hậu cần kinh tế biển.
“Đầu tư kinh tế cảng biển là câu chuyện đầu tư cơ bản, lâu dài, do đó chính sách để thu hút nhà đâu tư cũng phải phải dài hạn, cụ thể; cùng với đó là chính sách thu hút các nhà đầu tư thứ phát cùng tham gia. Đặc biệt, về vấn đề vốn, chúng ta cần có cơ chế chính sách để thu hút nguồn vốn lớn đầu tư nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguồn vốn lớn và dài hạn”, ông Cường nói.
Để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, ĐB Cường cho rằng cần thỏa mãn các điều kiện, trong đó trước hết là cần đảm bảo về trình độ đầu tư với các công nghệ kỹ thuật mới; tạo sức hút các nhà đầu tư thứ phát cũng như thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ cảng biển ở đó.
Hiện nay, những việc đầu tư này không thể dựa vào đầu tư của nhà nước, do đó chắc chắn phải dựa vào các nhà đầu tư tư nhân. Trên thực tế chúng ta chưa thấy có các nhà đầu tư phát huy các vai trò này nhưng sẽ đang là yếu tố tiềm ẩn. Điển hình, vừa qua chúng ta có thể thấy câu chuyện thu hút đầu tư của Vinfast vào ngành công nghiệp ô tô, từ đó cho thấy tiềm lực của các doanh nghiệp tư nhân của chúng ta còn rất lớn.
“Do đó, nếu có cơ chế đầu tư ổn định, dài hạn và thực sự ưu đãi thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được các nhà đầu tư là các DN tư nhân vào lĩnh vực này”, ĐB Cường nói.
Khuyến khích DN đủ “tầm”
Ở một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trước hết phải thấy rằng chúng ta cần đánh giá cao vị trí của các DN tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, nhưng để thực hiện đươc chiến lược biển Việt Nam mà được Hội nghị TW 8 vừa thông qua thì chúng ta không bác bỏ được vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN) trong việc phát triển kinh tế biển nhưng KTTN sẽ phải chọn những ngành hoặc những lĩnh vực phù hợp trong chiến lược phát triển biển, ví dụ: KTTN có thể phát triển rất tốt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, cung cấp cơ sở lưu trú, cơ sở vận chuyển.
Có thể bạn quan tâm
15:43, 24/10/2018
01:00, 11/10/2018
14:27, 18/08/2018
10:05, 14/11/2018
Theo ĐB Kiên, thực tế, có nhiều ví dụ về DN tư nhân trong lĩnh vực xây dựng cảng biển nhưng nó phải đủ lớn, như Công ty CP Gemadept là một công ty CP nhà nước. Hiện nay họ là một công ty khai thác cảng biển dạng logistics hiệu quả nhất Việt Nam, nhưng họ xuất phát điểm là Công ty CP có vốn của Nhà nước, trong quá trình tự vận hành đối với nền kinh tế thị trường, Gemadept cũng phải tự bỏ một số ngành lĩnh vực như forwarder (trung tâm giao nhận quốc tế) để đi vào lĩnh vực cảng và chuyên sâu vào cảng.
“Như vậy, cho thấy chúng ta khuyến khích, nhưng bản thân các DNTN đã đủ lớn để hoàn thành nhiệm vụ đó hay không thì thị trường quyết định và chính sự thông minh của người quản trị quyết định”, ĐB Kiên nói.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36 - NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Qua tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, Chiến lược biển đã mang lại những sự thay đổi căn bản đó là: Về mặt tư duy, Việt Nam đã hướng mạnh ra biển, hình thành hướng phát triển kinh tế - xã hội dựa vào tiềm năng, lợi thế của biển để phát triển đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, đó là một số ngành kinh tế biển mũi nhọn như hàng hải, dầu khí, công nghiệp đóng tàu chưa tận dụng được cơ hội, các tiềm năng lợi thế để phát triển; Nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về biển chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu;… |