VLA phối hợp cùng Tạp chí DĐDN tổ chức “Toạ đàm Phát triển Logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025 vào chiều 9/7 tại trụ sở VCCI Hà Nội.
>>09/07: Toạ đàm Phát triển mạng lưới cung ứng xanh, thích ứng nhanh và công bố FWC 2025
Phát triển chuỗi cung ứng xanh, trong đó có logistics xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc, nếu không thực hiện nhanh và ngay doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải”.
Báo cáo Logistics Việt Nam cho thấy, có tới 73,2% doanh nghiệp nói rằng logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Tuy các doanh nghiệp quan tâm là vậy nhưng cũng còn những rào cản khiến quá trình này còn chậm.
Theo đó, dù đã có cơ chế cho phát triển chuỗi cung ứng xanh với hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, các Quyết định, Nghị định, Chương trình hành động… ở trên tất cả các loại hình vận tải: đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không, thuỷ nội địa cũng đã được Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành. Nhưng theo giới chuyên gia, việc thực hiện các quy định trong thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại của Chính phủ cho logistics xanh mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) khẳng định, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics đầu vào và đầu ra xanh, quản lý chất thải, sản xuất xanh…
“Khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định, thực tế, trên toàn cầu, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên.
Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Thậm chí, theo Phó Chủ tịch VLA, nhiều doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia cam kết.
“Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lại, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc mà nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu”, ông Đào Trọng Khoa nhận định.
Các chuyên gia cho rằng, ngành logistics thực sự cần có những thay đổi về “chất” để trụ vững trong bối cảnh hiện nay. Phát triển chuỗi cung ứng xanh chính là sự thay đổi cần thiết, gắn với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết.
Để thúc đẩy logistics xanh thời gian tới, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, cần thống nhất nhận thức về vai trò của ngành logistics, từ đó có chìa khóa triển khai đồng bộ.
“Nếu không có nhận thức tương đối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các hiệp hội và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến cho đến các doanh nghiệp và chủ hàng… những giải pháp logistics đưa ra có vẻ tốt và hay nhưng quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi có sự thống nhất sẽ tạo ra quyết tâm để cải thiện vai trò của logistics”, ông Hải khẳng định.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa chia sẻ, việc chuyển đổi xanh ngành logistics đương nhiên sẽ tiêu tốn chi phí của doanh nghiệp, tuy nhiên, doanh nghiệp không nên nhìn nhận đó là chi phí mà nên coi đó như những khoản đầu tư cần phải có để đảm bảo cho tương lai cạnh tranh được trong chuỗi ngành logistics toàn cầu.
“Doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại”, lãnh đạo VLA nhấn mạnh.
Nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức “Toạ đàm Phát triển mạng lưới cung ứng xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025.
*Thời gian: 14:00 – 16:00 ngày 09/07/2024
*Địa điểm: Hội trường 1, tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
Có thể bạn quan tâm
16:36, 01/07/2024
00:37, 15/06/2024
00:42, 21/08/2023
12:00, 15/02/2023