EVN hiện chỉ tiếp nhận được khoảng 700MW nhưng sức sản xuất của các doanh nghiệp có thể lên đến 4000MW. Những tỉnh thành có thể tiếp nhận điện hiện nay các dự án không được phê duyệt.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến hết năm 2019, cả nước có 5.039MW điện năng lượng tái tạo được hoà lưới điện quốc gia. Trong đó, chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió đang xây dựng với công suất khoảng 3.000 MW chuẩn bị hoà lưới. Đồng thời, trong năm 2020, hàng chục dự án năng lượng sạch khác chờ bổ sung quy hoạch với tổng công suất lên đến nhiều ngàn MW. Chỉ riêng khu vực miền nam, đến đầu tháng 5/2020, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã thanh toán tiền mua điện mặt trời áp mái của 4.163 khách hàng với sản lượng điện thanh toán là 71,912 triệu kWh, tương ứng 160,65 tỷ đồng.
TS.Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Pacifico Energy Việt Nam, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á phát triển về điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển thần tốc. Việt Nam đã làm chủ được một công nghệ mà thế giới đang hướng tới.
Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, cho rằng các nhà đầu tư điện gió đã gian nan nhưng điện mặt trời thì “độ khủng” còn hơn thế. Theo đó, để xây dựng một dự án phải mất cả năm. Trường hợp chủ đầu tư có mua lại dự án cũng phải mất 7,8 tháng. Đó là chưa kể doanh nghiệp còn phải thu xếp vốn, phải rất chật vật, rất chính xác, quyết liệt mới kịp tiến độ.
Hơn nữa, giá điện tại Việt Nam cũng biến động không ngừng khiến doanh nghiệp xoay như chong chóng. Ví như trước đây, điện mặt trời ở mức 9,35 cent. Nhưng từ ngày 30/06/2019 đến cuối năm 2020 giá sẽ là 7,09 cent. Tuy nhiên, giá 7,09 cent này cũng chỉ kéo dài đến đến 31/12/2020, còn sau thời điểm trên cơ chế như thế nào thì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn.
“Ở các nước, khi chuẩn bị đưa ra chính sách mới để áp dụng thì Chính phủ phải ban hành trước 6 tháng, 1 năm để doanh nghiệp có kế hoạch. Nhưng ở Việt Nam thì không như thế khiến doanh nghiệp gặp khó. Đấy chính là thực trạng của điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam, trong khi đó thì chúng ta cứ đồng loạt kêu thiếu điện”, ông Huân nói.
Nhiều người cho rằng, hiện nay, giá điện mặt trời và điện gió Việt Nam cao hơn giá nhập khẩu. Tuy nhiên, chưa ai đưa ra số liệu điện nhập khẩu đấy được bao nhiều % trong tổng lượng điện Quốc gia. Và với việc nhập khẩu điện có phải là một chính sách tốt để đảm bảo an ninh năng lượng không? Theo ông Huân, chính sách về phát triển vĩ mô về điện gió và điện mặt trời của Việt Nam đang còn nhiều vấn đề.
Thứ nhất, năng lực tiếp nhận điện tái tạo của EVN rất thấp. EVN hiện chỉ tiếp nhận được khoảng 700MW, nhưng sức sản xuất của các doanh nghiệp có thể lên đến 4000MW. Thứ hai, những tỉnh thành có thể tiếp nhận được như Bình Định, Hậu Giang, Bạc Liêu,… thì hiện nay các dự án không được phê duyệt. Hơn nữa, các dự án nguồn điện tiếp nhận được khi đã được phê duyệt nhưng thời gian hưởng giá bán có lợi cho doanh nghiệp thì quá ngắn. Ví dụ như dự án điện mặt trời không thể thi công kịp trước ngày 31/12/2020 thì không biết sau đó sẽ được hưởng ở mức giá nào, như vậy, tỷ lệ rủi ro cho doanh nghiệp đầu tư sẽ rất cao.
“Nhà nước đang thiếu điện, còn doanh nghiệp sản xuất ra điện gió, điện mặt trời, năng lượng sạch…của các đơn vị rất cao nhưng không tiêu thụ được. Vì thế, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện. Đây là một câu chuyện “luẩn quẩn” cho năng lượng sạch phát triển ở Việt Nam”, ông Huân nói.
Nói về một giải pháp tối ưu cho những bất cập trên, TS. Hoàng Giang cho rằng, các cấp, ngành cần hết sức thực tế, có chương trình dài hạn và khuyến khích ủng hộ các nhà đầu tư. Ví dụ những khu vực nào muốn đầu tư, thì phải hỗ trợ phát triển nguồn lưới điện chung đủ để truyền tải những nguồn điện đó đi các vùng khác; tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đặc biệt là thủ tục, các loại giấy phép, giải phóng mặt bằng, đất đai để tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư.
“Có nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường năng lượng sạch Việt Nam. Nguyên nhân là bởi nhà đầu tư ngoại gặp những khó khăn như thời hạn, rủi ro, chi phí, chính sách. Trong khi đó, nhà nước không kịp thời giải quyết đã làm họ nản lòng”, TS. Hoàng Giang nói.
Theo TS. Hoàng Giang, ngày 4/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 22/5/2020 và được xem là tạo đà cho điện mặt trời áp mái phát triển.
Tuy nhiên, về dài hạn, vị này cho biết Chính phủ nên quan tâm để khuyến khích phát triển điện mặt trời. Hơn nữa, để phát triển bền vững thì phải làm sao để các nhà đầu tư không bị thiệt thòi, được đóng góp được cho sự phát triển cho cả ngành năng lượng sạch Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm