Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Phú Thọ đang đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, nâng cao giá trị của các khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, lịch sử, văn hóa.
>> Đi du lịch Phú Thọ nhớ dừng chân tại địa điểm này
Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngành du lịch của tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tham mưu xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm gắn với tiềm năng thế mạnh của tỉnh để tạo cơ sở thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư các dự án lớn về du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch Phú Thọ phát triển.
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ - Nguyễn Đắc Thủy về phát triển ngành công nghiệp không khói, tạo nền tảng để du lịch Phú Thọ là điểm đến hấp dẫn an toàn của du khách trong nước và quốc tế.
- Những tiềm năng, thế mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa của tỉnh Phú Thọ đã tạo sức hút các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi các vua Hùng dựng nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, nơi đây hội tụ các giá trị văn hóa Văn Lang - Âu Lạc gắn với thời đại Hùng Vương cho đến nay. Phú Thọ hiện có 967 di tích, trong đó, 323 di tích lịch sử - văn hóa được nhà nước xếp hạng (01 Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích quốc gia, 249 di tích cấp tỉnh), 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến Hát Xoan, 05 bảo vật quốc gia, 311 lễ hội truyền thống, 41 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Bên cạnh đó, Phú Thọ có một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn như: Vườn quốc gia Xuân Sơn; khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; đồi chè Long Cốc, đồi chè Mỹ Thuận, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, thác Mơ… là những thắng cảnh tự nhiên non nước hữu tình trên mảnh đất trung du.
Ngành du lịch Phú Thọ luôn định hướng mục tiêu là phát triển du lịch gắn với việc bảo tổn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Tổ. Phú Thọ là điểm đến của 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận bao gồm Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Ca trù, đây là tính độc đáo và hấp dẫn để tạo sự chú ý, sức thu hút đối với khách du lịch. Đồng thời du lịch Phú Thọ đã xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Thọ - Về với cội nguồn dân tộc” để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Với định hướng đó, trong những năm qua Sở VHTT&DL luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Phú Thọ. Đến nay, đã tham mưu xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 05 bảo vật quốc gia. Đây là những nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tiềm năng để xây dựng thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Tỉnh đã xuất bản ấn phẩm “Di sản văn hóa Phú Thọ” làm cẩm nang cho công tác quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa vùng Đất Tổ. Các địa phương đã chú trọng hơn tới việc bảo vệ cổ vật trong các di tích. Nhiều lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng. Hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO ghi danh đã được tỉnh Phú Thọ nỗ lực bảo tồn và phát huy phục vụ khách du lịch thu hút 6 - 7 triệu lượt khách tham quan/năm. Hát Xoan Phú Thọ được đưa khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Phú Thọ phấn đấu phát huy lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Phú Thọ thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đất Tổ. Ông hãy cho biết định hướng, giải pháp đạt mục tiêu trên như thế nào?
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong những năm qua, Phú Thọ đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trở thành một trong những khâu đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch trọng điểm, trọng tâm là thành phố Việt Trì. Các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh đã cơ bản hình thành tạo cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch, tour, tuyến phục vụ khách du lịch khi về với Phú Thọ.
Các sản phẩm du lịch đặc trưng được chú trọng xây dựng và phát triển: Sản phẩm du lịch văn hóa gắn với khai thác các giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương và 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, “Hát Xoan Phú Thọ”; sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với khai thác giá trị của nước khoáng nóng Thanh Thủy, các điểm du lịch đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, đồi chè Long Cốc, sản phẩm du lịch cộng đồng tại khu du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô; sản phẩm du lịch quốc tế đường sông trải nghiệm làng nghề nón lá Sai Nga, Gia Thanh và làng cổ Hùng Lô…
Trong thời gian tới, du lịch Phú Thọ xây dựng thêm một số các loại hình du lịch mới như: sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn; sản phẩm du lịch học tập - du lịch học đường,… sẽ tạo ra các điểm mới thu hút du khách.
>> Doodle Sơn Đoòng quảng bá du lịch Việt Nam đến 17 quốc gia và lãnh thổ
>> Thưởng thức lễ hội bánh dân gian lớn nhất miền Tây
- Ngành VHTT&DL đã tham mưu cho tỉnh Phú Thọ như thế nào để tạo các cơ chế, chính sách đón sóng đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp về đầu tư lĩnh vực du lịch trên địa bàn, thưa ông?
Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Quy hoạch chung khu du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn; hiện tại đang xây dựng phương án phát triển ngành du lịch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Hàng năm, Sở thực hiện hỗ trợ về cơ sở trang thiết bị phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch gắn với hát Xoan, đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho các khu điểm du lịch của tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch góp phần thu hút đầu tư dự án du lịch. Các thông tin các dự án kêu gọi, ưu đãi đầu tư được công bố công khai trên các trang thông tin điện tử của Sở và các ấn phẩm xúc tiến quảng bá, dễ dàng tiếp cận được thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư.
>> Thanh Thủy (Phú Thọ): Điểm đến của nhà đầu tư về du lịch
Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL luôn đồng hành, tạo điều kiện về thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch từ lúc lập dự án xin chủ trương đầu tư đến khi được chấp thuận dự án và triển khai thực hiện dự án, đưa dự án vào hoạt động; kịp thời báo cáo lãnh đạo tỉnh những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án để có những giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch.
Những tài nguyên du lịch văn hóa và tự nhiên mang bản sắc đặc trưng của Phú Thọ đã trở thành tiềm năng, thế mạnh tạo sức hút cho các nhà doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn như: Tập đoàn Mường Thanh, TCT Saigon Tourist đầu tư xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao đã đưa vào hoạt động, dự án KĐT sinh thái và thể thao Việt Trì của CTCP Tập đoàn FLC đã triển khai động thổ, khởi công dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ, Dự án Phố đi bộ - Khu Nhà ở đô thị Tiên Cát của CTCP tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô, Dự án KĐT sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông, tỉnh Phú Thọ của Tập đoàn T&T Group.
- .Năm 2022, tỉnh Phú Thọ khởi động du lịch nội địa và các giải pháp kích cầu du lịch với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Ngành VHTT&DL tỉnh đã đổi mới xúc tiến du lịch; thực hiện chuyển đổi số trong quảng bá để đưa hình ảnh du lịch Phú Thọ tiếp cận nhanh nhất cho du khách như thế nào thưa ông?
Triển khai thực hiện mở cửa du lịch, Sở VHTTDL đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức chương trình kích cầu, mở cửa hoạt động du lịch Phú Thọ trong điều kiện bình thường mới với sự tham gia của các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch tỉnh Phú Thọ, doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng. Thực hiện ký kết hợp tác du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Phú Thọ và TP. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; ký kết hợp tác triển khai Tour du lịch “Về miền Đất Tổ - cội nguồn dân tộc” giữa doanh nghiệp du lịch tỉnh Phú Thọ với các tỉnh miền Trung; tổ chức famtrip “Về miền đất Tổ - Cội nguồn dân tộc Việt Nam”.
Xây dựng sản phẩm tour du lịch an toàn; tổ chức chương trình Business Matching. Tăng cường kết nối các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các làng nghề tổ chức giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ; kết nối xây dựng tour du lịch nông nghiệp; liên kết xây dựng tour du lịch “Về miền đất Tổ”; tham gia Hội thi bánh dân gian Nam Bộ tổ chức tại TP. Cần Thơ, Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh và Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội (trong tháng 4/2022). Tham mưu UBND tỉnh ký kết Chương trình hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh và TCT hàng không VietNam Airline giai đoạn 2022-2026.
Chỉ đạo Hiệp hội du lịch tổ chức vận động, tuyên tuyền hội viên tập trung làm mới sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới tạo điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch. Định hướng lại thị trường khách du lịch như gia đình, đi theo nhóm…; kết nối các khu, điểm, đơn vị kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn xây dựng một số tour du lịch an toàn, sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc biệt một số tour phục vụ khách quốc tế nhân dịp Phú Thọ đăng cai một bảng vòng loại và một trận bán kết môn Bóng đá nam Sea Games 31.
Để phát triển phù hợp với xu thế chung của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới du lịch Phú Thọ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động phát triển du lịch thông minh, triển khai thực hiện quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ 3D, 4D; xây dựng hệ thống mã QR tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng công nghệ thuyết minh tự động tại một số điểm du lịch; ứng dụng và nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin trên các nền tảng của các trang thông tin điện tử về du lịch Phú Thọ dulichphutho.com.vn hoặc các trang mạng xã hội của Facebook, TikTok, Youtube Đất Tổ, Zalo Du lịch Phú Thọ và xây dựng 05 chuyên trang ladipage về dịch vụ du lịch Đền Hùng, Tour đêm Đền Hùng, Hát Xoan làng cổ, Du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, Du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn …
Để từ đó, thông qua các ứng dụng số, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách du lịch trên các nền tảng thông tin đó.
Song song, ngành du lịch sẽ chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân địa phương tích cực tham gia hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, mến khách.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa trong thời gian tới, Phú Thọ tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Phú Thọ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phấn đấu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm