Khi bắt tay vào khôi phục kinh tế, một nhiệm vụ khá quan trọng lúc này là phải phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng.
Qua 35 năm đổi mới (1986 - 2020), nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tăng trưởng kinh tế luôn ở mức dương, có nhiều năm tăng trưởng đạt mức cao trên dưới 8%; tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống 11,3% năm 2009 và chưa đến 4% vào năm 2019; thu nhập người dân được cải thiện rõ rệt, đời sống người dân nâng cao.
Tuy nhiên, trong hơn 3 thập niên đổi mới, nền kinh tế Việt Nam nhiều lần chịu tác động bởi các cú sốc bên ngoài như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và cú sốc dịch tễ vào năm 2020. Khác với 2 cú sốc trước là về tài chính - tiền tệ, cú sốc COVID-19 lần này chưa từng có tiền lệ, tác động mạnh mẽ lên nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các trung tâm của chuỗi. Trong đại dịch COVID-19, các quốc gia chịu tác động nặng nề cũng là các trung tâm của mạng sản xuất toàn cầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Khi đại dịch bùng nổ, các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện, nhiều hoạt động sản xuất tạm dừng lại. Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu, từ đó làm suy giảm tăng trưởng nền kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, khu vực nói riêng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý III, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%. Đây là khu vực duy nhất có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 2 động lực quan trọng của nền kinh tế là công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ đều giảm mạnh trong quý vừa qua. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TPHCM có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Còn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tại Việt Nam, đợt dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 4/2021 kéo dài cùng việc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan đã khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bị tác động tiêu cực, giảm trên 30% so cùng kỳ năm 2020. Cán cân thương mại hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do xuất khẩu giảm.
Những con số như biết nói, khi COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động…
Để ứng phó với điều này, mỗi quốc gia buộc phải thích nghi và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, phục hồi nền kinh tế, cũng như cải thiện hệ thống an sinh xã hội một cách tốt hơn. Hòa vào xu hướng đó, Việt Nam cũng đang ráo riết chuẩn bị trở lại mạnh mẽ thông qua việc mở cửa nền kinh tế quốc gia.
Trong cơn bão “dịch COVID-19”, cộng đồng doanh nghiệp cũng có những cố gắng để đảm bảo duy trì hoạt động, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, đóng góp vào “nhịp thở” của nền kinh tế.
Đáng chú ý, dù dịch COVID-19 căng thẳng, có một số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch (đề cập ở trên). Nhưng 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,9 nghìn lao động.
Bên cạnh đó, còn có 32,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2021 là 114 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, trong khi gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thì bình quân mỗi tháng có gần 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, là con số đáng phấn khởi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến căng thẳng, ảnh hưởng lên mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Chưa dừng lại, đại dịch COVID-19 là thời điểm doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng thông qua những hoạt động thiện nguyện, những nỗ lực chung tay, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cùng cả nước chống giặc dịch. Từ những khoản đóng góp nghìn tỷ đến những chuyến bay nghĩa tình và cây ATM gạo miễn phí…
Dịch bệnh COVID-19 này, một lần nữa là thời điểm doanh nghiệp khẳng định lại trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng. Đối với các doanh nghiệp, đây là thời điểm khó khăn nhưng cũng chính là thời điểm thuận lợi để giúp họ tạo lập nên những giá trị cho các thương hiệu bền vững.
Vì thế, khi bắt tay vào khôi phục kinh tế, một nhiệm vụ khá quan trọng lúc này là chúng ta phải phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng là một yêu cầu cấp thiết, góp phần tạo động lực tăng trưởng bền vững, tăng cường sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.
Đây không chỉ là yếu tố đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, mà còn góp phần quan trọng ổn định xã hội khi tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, chúng ta phải ban hành hệ thống chính sách đồng bộ để hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp này phát triển.
Đứng trước cú sốc COVID-19 này, Chính phủ, Nhà nước nhanh chóng thực hiện các giải pháp mạnh, trước hết là để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, sau đó là để phát triển kinh tế.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo khó khăn để có thể phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Ngoài việc điều chỉnh chiến lược chống dịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch”. Ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được thực hiện quyết liệt đang tạo cơ hội để Việt Nam dần khôi phục nền kinh tế.
Lần đầu tiên chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần đối thoại để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể những chuyến thị sát vào thẳng tâm dịch phía Nam để hiểu hơn những khó khăn, vất vả mà cộng đồng doanh nghiệp phải gánh chịu.
Cùng thời gian này, Chủ tịch Quốc hội cũng triệu tập 2 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bất thường và tổ chức tham vấn của các chuyên gia để đưa ra những chính sách chưa từng có, cho phép Chính phủ được vận dụng một số cơ chế đặc thù phục vụ công tác chống dịch, hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phục hồi sản xuất..
Trong đó, một vấn đề quan trọng, “nóng bỏng” nhất hiện nay là phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này có thể tiếp cận được nguồn vốn trung và dài hạn. Có như vậy, doanh nghiệp mới có cơ sở để phát huy thế mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, có bước chuyển mạnh mẽ để tạo ra nhiều giá trị gia tăng, tận dụng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc tổng kết kết quả hoạt động trong khoảng thời gian nhất định. Để xem, mình đã làm được những gì, sở trường sở đoản là gì, cái gì mình nắm được sâu, mặt nào chưa làm được... Có như vậy doanh nghiệp mới thích nghi được với “trạng thái bình thường mới” sau đại dịch lẫn cơ chế thị trường hiện hay. Đây là cách tốt nhất để mỗi doanh nghiệp chủ động định hướng phát triển, mang lại hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, chú trọng đến mô hình làm việc xen kẽ trực tiếp và từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp và nhà sản xuất tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức của đại dịch, có khả năng trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của COVID-19.
Có thể nói, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm vì phía trước còn rất nhiều rào cản, khó khăn, thách thức cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và quá trình hồi phục kinh tế.
Hy vọng rằng, với một Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”, và trên tinh thần “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba”, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Cùng đóng góp sức mình, hòa mình vào dòng chảy phát triển của đất nước.
Có thể bạn quan tâm
15:35, 24/09/2021
08:38, 24/09/2021
05:00, 03/10/2021
04:10, 03/10/2021
02:27, 03/10/2021
15:00, 02/10/2021
11:00, 02/10/2021
04:20, 02/10/2021
04:10, 02/10/2021
04:01, 02/10/2021
06:05, 30/09/2021
14:00, 28/09/2021
20:53, 27/09/2021
19:00, 16/09/2021
11:31, 11/09/2021
18:40, 06/09/2021
11:23, 20/08/2021
12:53, 27/07/2021
03:30, 20/07/2021
11:00, 15/06/2021
04:00, 28/05/2021