Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), có một số một số phương thức thanh toán quốc tế được áp dụng trong thực tế.
>> Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế
Theo đó, phổ biến là Điện chuyển tiền (T/T); Trả tiền nhận chứng từ (D/P), tương tự là CAD; Thư tín dụng (L/C). Khác với quan điểm nhiều người, ông Trần Thanh Hải cho rằng phương thức D/P có rủi ro đối với người bán thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Trong trường hợp đó, người bán không mất hàng, nhưng sẽ mất thêm công sức, chi phí để đưa hàng về hoặc tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng đó.
Tuy nhiên, với vụ việc 100 containers hạt điều, khó kéo hàng về ngay, vì phải chờ điều tra, can thiệp của cơ quan chức năng bao gồm cả việc các doanh nghiệp phải “đệ đơn lên tòa”.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh, cho rằng nếu doanh nghiệp gặp vụ việc tương tự như vụ điều, thì tuyệt đối không được thông báo vận đơn cho bất kỳ ai, bởi nếu có vận đơn, đối phương (có thể là bên mua) sẽ biết được hồ sơ chứng từ gốc ở đâu và sử dụng hồ sơ đó để nhận hàng.
>> Vai trò của ngân hàng trong phương thức thanh toán nhờ thu
Trong trường hợp sử dụng D/P, các ngân hàng tham gia dịch vụ nên có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đầy đủ chắc chắn với các bên, tránh trường hợp hồ sơ photocopy hoặc “không cánh mà bay” nhưng không biết “bay” ở khâu nào.
Với L/C, ông Hải cho biết đây không phải phương thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản bởi sẽ khó cho doanh nghiệp khi lô hàng nào cũng mở L/C, mà người mua thường mua lô nhỏ, gối đầu, không muốn đọng vốn.
Theo ông Thông, L/C là phương thức chắc chắn nhất, phù hợp với doanh nghiệp có giao dịch khối lượng lớn, có gắn bó các ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp uy tín sẽ có lợi thế khi đàm phán phương thức thanh toán win-win. “Khi cảm giác đây là thương vụ có rủi ro thì chúng tôi sẽ theo dõi kỹ mọi khâu, tiến độ cho đến khi thanh toán thành”, ông Thông chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm